Cần sớm quy định quản lý tài sản ảo

Nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố từ đồng tiền điện tử

(HNM) - Những năm gần đây, trên thế giới đã xuất hiện một số loại hình kinh doanh mới trên mạng internet toàn cầu, trong đó có tiền ảo (tiền kỹ thuật số, tiền điện tử) như Bitcoin. Ở Việt Nam, việc giao dịch bằng tiền ảo, trong đó có lĩnh vực trò chơi trực tuyến cũng đã xuất hiện, đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm ban hành quy định quản lý loại hình tài sản ảo, trong đó có tiền ảo.

Việc ban hành quy định quản lý loại hình tài sản ảo, trong đó có tiền ảo sẽ hạn chế được những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Ảnh: Hải Anh

Đến thời điểm này, các quy định của pháp luật tại Việt Nam đều không công nhận tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tế giao dịch Bitcoin và tiền ảo khác vẫn diễn ra và phổ biến với tính chất phức tạp, đã xuất hiện tình trạng đầu tư máy móc, thiết bị để "đào" Bitcoin...

Không chỉ có vậy, trong các trò chơi trực tuyến (game online), dù không được pháp luật công nhận thì việc trao đổi, mua bán các "vật phẩm ảo" (hình ảnh đồ họa của một đồ vật, một nhân vật do nhà sản xuất trò chơi điện tử đó thiết lập), "điểm thưởng" (hình thức thưởng tương đương cách tính điểm mà người chơi nhận được khi chơi game online), "đơn vị ảo" (một loại công cụ được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game quy ước dùng để trao đổi, mua bán vật phẩm ảo, điểm thưởng, các kỹ năng trong trò chơi) vẫn diễn ra phức tạp.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hậu kiểm đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến; tăng cường rà soát, xử lý các cổng trò chơi điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội quảng bá việc đổi tiền ảo ra tiền thật. Trong tháng 4-2018, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có Công văn số 575/PTTH&TTĐT gửi sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về tài sản ảo, điểm thưởng trong trò chơi được quy định tại Điều 7 Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014, tuyệt đối không được đổi thưởng, đổi tài sản ảo ra tiền thật và các hiện vật có giá trị...

Tuy nhiên trên thực tế, các quy định pháp luật hiện chưa có nội dung trực tiếp về tài sản ảo, tiền ảo, cũng không có quy định cụ thể cấm các giao dịch sử dụng tiền ảo. Vì vậy, chỉ có thể căn cứ quy định hiện hành để sử dụng biện pháp loại trừ trong quản lý dạng tài sản này.

Đề xuất cần sớm có các quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho biết, có một số nguyên tắc để đánh giá về tài sản ảo. Đó là giá trị sử dụng, sở hữu, quyền sử dụng, trao đổi giá trị và trong thực tế thì tài sản ảo đang được coi tương đương như tài sản thực. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nên chủ trì phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành các quy định quản lý tài sản ảo, tiền ảo.

Kiến nghị cụ thể, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, việc sử dụng giao dịch tài sản ảo, tiền ảo để lại những hậu quả khó lường, đặc biệt khi công nghệ số hóa phát triển mạnh như hiện nay, do đó việc hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cần thiết. Bộ cũng đã có ý kiến cùng các bộ, ngành chức năng đề xuất Chính phủ nghiên cứu việc quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo theo hướng cấm sử dụng giao dịch hàng hóa dưới bất cứ phương thức nào như dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hay dưới dạng là các phương tiện thanh toán.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/953526/can-som-quy-dinh-quan-ly-tai-san-ao