Cần sớm sửa chữa cầu Khe Chai nối 3 xã biên giới

Cầu Khe Chai ở xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) được đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, hiện cầu này đang bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân các xã biên giới.

Tìm hiểu được biết, cầu Khe Chai bắc qua suối Khe Chai thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP) kết nối 3 xã biên giới gồm Hương Phong, Đông Sơn và Lâm Đớt, với trung tâm huyện A Lưới. Cầu rộng 3,5m, dài hơn 102m, bằng bê tông cốt thép, dự ứng lực có tuổi thọ 50 năm, với tổng số vốn hơn 2,3 tỷ đồng; được khởi công xây dựng từ tháng 6/2018 và bàn giao, đưa vào sử dụng tháng 6/2019.

Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ tháng 9 và 10/2020, phần nối giữa 2 đầu cầu và đường dẫn cầu Khe Chai bị nước lũ cuốn trôi, gây ra tình trạng chia cắt giao thông hoàn toàn. Các hạng mục chân khay, đường đầu cầu đều bị sạt lở, ảnh hưởng đến khả năng khai thác lâu dài của công trình. Phần bê tông ốp dưới chân 2 phía đầu cầu cũng vỡ vụn, nước xói sâu tạo khoảng cách lớn giữa cầu và đường dẫn.

Cầu Khe Chai bị hư hỏng nặng, cần sớm được sửa chữa.

Cầu Khe Chai bị hư hỏng nặng, cần sớm được sửa chữa.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, cầu Khe Chai bị hư hỏng đã gây trở ngại trong việc đi lại làm ăn của người dân và việc đến trường của các em học sinh. Các em học sinh cấp 3 xã Đông Sơn phải đi xe đạp với quãng đường vòng xa gấp khoảng 3 lần mới đến được trường THCS và THPT Hương Lâm (xã Hương Lâm, huyện A Lưới), nằm gần tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo ông Tôi, sau khi cầu Khe Chai xảy ra sự cố, xã đã có báo cáo đến huyện A Lưới và chủ đầu tư cùng đơn vị thi công. Các đơn vị liên quan đã đến kiểm tra, hứa sớm khắc phục, sửa chữa cầu Khe Chai nhưng đến nay cầu vẫn chưa được sửa chữa.

Trước nhu cầu đi lại bức thiết của người dân địa phương, cuối năm 2020, UBND xã Đông Sơn đã trích vốn ngân sách hơn 27 triệu đồng để mua gỗ, huy động người dân kết ván bắc qua phần bị xói lở, sụt lún nối liền cầu với đường dẫn. Phần cầu tạm này chỉ phục vụ cho người đi bộ và đi xe máy. Riêng xe tải chở hàng hóa hoặc các phương tiện có tải trọng lớn không thể chạy qua nên gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên-Huế, nhà thầu thi công công trình lý giải, cầu Khe Chai bị hư hỏng, sụt lún 2 đầu cầu là do đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2020. Nước lũ làm thay đổi dòng chảy trên suối Khe Chai, chảy thẳng vào 2 chân cầu làm đất, đá bị trôi, dẫn đến xói lở, tạo hàm ếch khiến phần bê tông bao quanh chân cầu bị sụt.

“Cầu Khe Chai có tổng kinh phí bảo hành hơn 600 triệu, trong khi để khắc phục cầu đang bị hư hỏng, đồng thời khơi thông dòng chảy suối để không ảnh hưởng đến chân cầu phải cần hơn 1 tỷ đồng. Do đó, hiện chủ đầu tư đang lập hồ sơ thiết kế trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin nguồn vốn khắc phục sửa chữa cầu Khe Chai”, ông Bảo nói.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/can-som-sua-chua-cau-khe-chai-noi-3-xa-bien-gioi-632855/