Cần sớm sửa đổi chính sách thuế VAT với mặt hàng phân bón
'Trước hết phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước từ đó giảm giá bón vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân. Tiếp đó, kiến nghị quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt Luật thuế 71 đối với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón', đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại hội thảo 'Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp' do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 20/12.
Trong bối cảnh giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao thì giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất. Mặt khác, xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư tăng cao, dẫn đến nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất trong nước tăng và làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.
Trước các thực trạng đó, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân biệt phân bón giả, phân bón thật, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành vật tư nông nghiệp tháo gỡ khó khăn, có cơ hội bày tỏ, chia sẻ những thách thức đang đối diện... Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh kết hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức triển khai chương trình hội thảo: “Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành Vật tư Nông nghiệp và Nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2023 vừa qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh các thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản không đạt được mục tiêu theo kế hoạch; vấn đề chất lượng sản phẩm, thương hiệu chưa mạnh; vật tư giả kém chất lượng còn xuất hiện... là những vấn đề nổi bật được nêu ra tại hội thảo.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã đưa ra kết quả nghiên cứu về sự ảnh hưởng của luật thuế VAT nhóm ngành vật tư nông nghiệp tác động đến thị trường nông sản và đời sống nông dân; tác động từ cơ chế chính sách đến kinh doanh vật tư nông nghiệp, nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao; thực trạng sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đồng thời, ghi nhận các giải pháp được đóng góp, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp; kiến nghị sửa đổi chính sách thuế VAT với mặt hàng phân bón tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân…
Chia sẻ về thực trạng ngành vật tư nông nghiệp Việt nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết: Hiện nay nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý dẫn đến lãng phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao và tiếp tục thúc đẩy hậu quả của việc sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm thiếu kiểm soát thêm sâu sắc. Ngân hàng thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Trong khi chúng ta đang tập trung khuyến cáo và nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, Global GAP để tạo ra nông sản xanh, an toàn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới thì vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại rất bát nháo về chất lượng. Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định do đó việc kiểm tra xử lý rất khó khăn.
Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất quản lý chưa nhiều. Nhân lực cơ sở vật chất trong thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác. Việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn diễn còn diễn ra, rất khó chấm dứt. Hiện nay trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan chưa được quy định rõ ràng thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể mà làm tản mác ở nhiều văn bản dẫn đến khó khăn khi thực thi nhiệm vụ.
Hậu quả do nạn phân bón thuốc bảo vệ thực vật giả gây ra là rất lớn làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần vì cây trồng bị thiệt hại năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp. Song hiện nay trên thị trường vẫn bày bán tràn lan nhiều loại phân bón giả thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý đưa các loại phân bón thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: Trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước từ đó giảm giá bón vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân. Tiếp đó, kiến nghị quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt Luật thuế 71 đối với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón.
Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp; để chủ động đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ lợi ích người nông dân. Cùng với đó, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm quản lý đầu tư nông nghiệp giữa các cơ quan cần được quy định rõ ràng thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Tiếp tục sửa nghị định về chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp theo hướng tăng mạnh để đủ sức răn đe các vi phạm về lĩnh vực này.
Chia sẻ về thực trạng giá vật tư nông nghiệp tăng cao và đưa ra giải pháp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế thì cho rằng: Để khắc phục tình trạng tăng giá vật tư nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách cả trong sản xuất và trong sử dụng vật tư nông nghiệp.
Theo đó, do giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vật tư nông nghiệp chiếm 55% giá thành sản phẩm lên nếu các cơ quan quản lý có các chính sách và biện pháp hợp lý trong khâu thủ tục giấy tờ xuất - nhập khẩu, việc hỗ trợ chi phí vận chuyển logistics, phân phối đến các địa phương, các chủ đại lý một cách phù hợp, tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, các bộ ban, ngành cần tiếp tục xem xét điều chỉnh các loại thuế phí có liên quan đến sản xuất vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, chính sách hoàn thuế, chính sách ưu đãi, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu, các loại thuế phí có liên quan đến lĩnh vực này một cách cẩn trọng và toàn diện… để các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu có thể giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường bình ổn giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp chống tình trạng đầu cơ, nâng giá vật tư nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái của các đại lý các nhà phân phối bán lẻ. Cần Xem xét ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất quản lý để các địa phương và các cơ quan quản lý có thể áp dụng thống nhất rõ ràng công khai, minh bạch. Cần có đủ chế tài đủ nghiêm để xử lý các trường hợp vi phạm. Cần tăng cường nhân lực nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị và tăng cường kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cục quản lý thị trường một cách đúng mực.
Cần quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan như ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn, các quy định này cần rõ ràng cụ thể tỉ mỉ và thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể để tạo điều kiện cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quy định.
Cần chú trọng phát triển mạng lưới các HTX mua bán phân phối vật tư nông nghiệp tại các thôn, bản, xã, phường, để vừa đảm bảo giảm thiểu các chi phí vận chuyển, bảo quản chi phí logistics, chi phí mua sỉ với các đầu mối cung ứng vật tư nông nghiệp vừa có thể quản lý và đảm bảo chất lượng của vật tư nông nghiệp tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đẩy mạnh tìm kiếm nghiên cứu để tiến tới tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Hiện tại Việt Nam đang sản xuất khẩu tinh bột sắn mô bột cá với giá rẻ ra nước ngoài cần nội địa hóa các nguồn cung ứng để giảm chi phí sản xuất vật tư nông nghiệp.
Hội thảo "Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp" có sự tham gia đồng hành của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).