Cần sớm thống nhất phương án quản lý các loại thuốc lá mới ở Việt Nam

Ngày 1/8, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm 'Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá'.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin các cơ sở dữ liệu khoa học liên quan thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác; đồng thời, đưa ra ý kiến về hướng quản lý phù hợp đối với các sản phẩm này dựa trên tính tương thích với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành; kinh nghiệm thực tiễn quản lý của các quốc gia trên thế giới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Khánh Toàn (Trường đại học Y Hà Nội): Thuốc lá nung nóng là một sản phẩm trong đó thuốc lá được nung nóng thay vì đốt cháy như thuốc lá thông thường. Nó được phát triển dựa trên nguyên lý việc giảm nhiệt độ đốt cháy sẽ giúp giảm số lượng và hàm lượng các hóa chất độc hại trong khói thuốc từ đó giảm độc tính cũng như các tác hại đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, thuốc lá nung nóng vẫn là một loại thuốc lá và không có loại thuốc lá nào an toàn, vô hại đối với sức khỏe. Thuốc lá nung nóng chỉ được coi là một giải pháp giảm tác hại hơn so thuốc lá thông thường song vẫn tồn tại nhiều rủi ro sức khỏe đáng kể.

Về bằng chứng giảm tác hại của thuốc lá nung nóng, hiện đã có khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng so thuốc lá thông thường thì thuốc lá nung nóng có thành phần và nồng độ các chất độc hại phổ biến trong khí thấp hơn nhiều lần và có độc tính cơ thể thấp hơn đáng kể, song tất cả đều chỉ là những bằng chứng gián tiếp. Chưa có nhiều nghiên cứu đủ lớn, đủ tin cậy và đủ thời gian theo dõi để đánh giá đầy đủ, toàn diện về tác hại lâu dài của thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Khánh Toàn cho biết thêm, độc tính của thuốc lá nung nóng, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm, giảm đáng kể so với thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, do số lượng nghiên cứu gốc chưa nhiều và số lượng các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm được đánh giá còn hạn chế đòi hỏi phải có thêm nhiều nghiên cứu độc lập, toàn diện hơn nữa về tính an toàn của thuốc lá nung nóng so thuốc lá thông thường, đặc biệt là các nghiên cứu về tác động trực tiếp về mặt sức khỏe.

Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều nhấn mạnh rằng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá nung nóng. FDA mặc dù đã cho phép một số sản phẩm HTPs được tiếp thị dưới dạng sản phẩm thuốc lá giảm phơi nhiễm, nhưng vẫn yêu cầu các sản phẩm này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về tiếp thị và cảnh báo sức khỏe. WHO cũng khuyến cáo cần có tiếp cận thận trọng trong việc quản lý thuốc lá nung nóng.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam đều là hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ và đang diễn ra diễn ra hầu hết ở các địa phương được khảo sát. Đáng lo ngại, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Trong khi đó, lợi dụng thuốc lá điện tử với thành phần là dung dịch lỏng hòa tan nên các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng và xã hội.

Việc mua bán được thực hiện chủ yếu thông qua mạng xã hội; một số nơi xuất hiện các điểm bán lẻ công khai hoặc bán trà trộn cùng các sản phẩm khác; việc quản lý hoạt động quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Do vậy, song song với việc cần tiếp tục theo dõi, giám sát đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, phòng chống buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chúng ta cần đưa ra các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, quan trọng là cần hoàn thiện thể chế, chính sách về vấn đề này. Từ đó ban hành các quy định, chế tài cụ thể về quản lý, xử phạt những hành vi vi phạm liên quan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, về lâu dài, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là cần thiết để đưa ra các quy định quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, dù sửa luật hay ban hành nghị quyết thì cũng mất nhiều thời gian. Vẫn cần phải có nghiên cứu, đánh giá tác động vững chắc, chặt chẽ, bảo đảm tính thuyết phục. Trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phòng, chống buôn lậu các loại thuốc lá và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá.

Ngoài ra, hiện nay đề nghị cấm của Bộ Y tế là đi từ góc độ sức khỏe của con người, nhưng để Quốc hội quyết định cấm hay không cấm thì phải có đề xuất của Chính phủ và trong đề xuất của Chính phủ phải đầy đủ nghiên cứu từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở về khoa học đến các đánh giá tác động khác.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng mọi sản phẩm thuốc lá đều không an toàn. Do vậy, các Bộ, ngành liên quan cần sớm định nghĩa về sản phẩm này để làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thuốc lá mới. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới trình Chính phủ, nhằm lấp khoảng trống pháp lý cho thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác ở nước ta hiện nay.

HỒNG VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-som-thong-nhat-phuong-an-quan-ly-cac-loai-thuoc-la-moi-o-viet-nam-post822150.html