Cần sớm xây dựng hàng rào điện tử bảo tồn voi
Gần đây, đàn voi rừng thường xuyên kéo về xã Thanh Sơn (H.Định Quán) phá hoa màu, nhà cửa của nhiều người dân. Đàn voi ngày càng dạn, có khi 18 giờ đã ra và 8 giờ sáng hôm sau mới về lại rừng khiến người dân rất lo lắng.
Theo các hộ dân ở một số ấp của xã Thanh Sơn, từ năm 2018, đàn voi rừng bắt đầu xuất hiện trong rẫy của người dân. Khi ấy, đàn voi chỉ ra 1-2 lần/tuần, sau đó tăng dần lên. Từ đầu năm 2020 đến nay, đàn voi xuất hiện mỗi đêm, ngoài phá phách hoa màu, những căn nhà lá còn bị voi vào lục đồ đạc để tìm nông sản và nước uống.
* Thấp thỏm sợ voi phá phách
Hơn 2 tháng nay, cứ gần 18 giờ là người dân ở ấp 5, xã Thanh Sơn đều vội vã trở về nhà, không dám nán lại trong rẫy để làm việc tiếp vì lo đàn voi ra không kịp lánh, sẽ gặp nguy hiểm. Tuy chưa xảy ra vụ nào voi làm người dân nơi này bị thương, nhưng hoa màu bị thiệt hại rất lớn. Trước đây, thường
22-23 giờ voi mới ra và 4-5 giờ sáng sẽ trở về rừng, song hiện nay voi thường ra khá sớm. Mỗi lần đàn voi ào ào kéo qua, người dân chỉ còn cách rút vào trong nhà khóa chặt cửa.
Ngày 21-6-2019, UBND tỉnh đã có Văn bản 1925/QĐ-UBND về duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án Khẩn cấp bảo tồn voi Đồng Nai giai đoạn 2014-2020.
Bà Huỳnh Thị Cúc ở tổ 7, ấp 5, xã Thanh Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3,5ha xoài đang thời kỳ cho trái. Năm 2019, voi rừng ra ăn, phá hết hơn 10 tấn xoài và quất đổ nhiều cây xoài. Từ đầu năm đến nay, voi xuất hiện hằng đêm làm thiệt hại gần 4 tấn xoài và 400m đường ống tưới tiết kiệm trong vườn xoài. Tôi đã phải thay lại đường ống mới, nhưng lại bị voi về đạp hỏng tiếp”. Theo bà Cúc, mỗi lần voi kéo về đạp nát đường ống bà phải thay ống mới lại mất gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, hàng chục cây xoài đang trĩu trái bị đạp đổ. Bên cạnh đó, nỗi bất an lớn nhất của bà Cúc là trong nhà có 4 cháu nhỏ và mẹ già, chỉ sợ một ngày nào đó voi xuất hiện, giận dữ truy đuổi người.
Bà Lưu Thị Khá, ấp 5, xã Thanh Sơn kể: “Tôi 80 tuổi, sống ở đây gần 60 năm, nhưng chưa khi nào thấy voi rừng về dạn dĩ như vậy. Chúng đi theo tốp 3-4 con, căn nhà lá của tôi đã bị voi vào lục lọi đồ ăn và húc đổ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Hiện tôi phải chuyển qua sống tạm nhà cháu. Tôi già rồi không sao, nhưng lo nhất là các cháu nhỏ, chỉ sợ voi về vào ban ngày, ba mẹ chúng đi làm xa thì trở tay không kịp”.
Voi về phá phách hằng ngày nên nhiều hộ dân ở xã Thanh Sơn đành bỏ ruộng hoang vì trồng rau màu, trồng bắp cũng khó thu hoạch.
* Mong sớm có hàng rào điện tử
Theo UBND xã Thanh Sơn, hơn 2 năm nay xã thường xuyên kiến nghị huyện, tỉnh sớm xây dựng hàng rào điện tử ngăn voi kéo vào rẫy, nhà người dân. Tuy nhiên, đến nay hàng rào vẫn chưa được xây dựng, xã rất lo lắng cho an nguy của nhiều người dân tại khu vực này.
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Nguyễn Tấn Tài cho hay: “Năm 2018, đàn voi rừng gây thiệt hại cho khoảng 85 hộ dân ở xã Thanh Sơn và huyện đã tiến hành hỗ trợ gần 800 triệu đồng cho các hộ. Hiện nay, huyện đang thống kê thiệt hại năm 2019 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân”. Ông Tài còn cho biết thêm, dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh giai đoạn 2014-2020 đã được phê duyệt tiếp hạng mục làm hàng rào điện tử ở khu vực xã Thanh Sơn. Do đó, huyện đề xuất tỉnh sớm tiến hành thi công để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Liên quan đến dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ngô Văn Vinh nói: “UBND tỉnh dự tính bố trí gần 30 tỷ đồng để triển khai tiếp 20km hàng rào điện tử ở khu vực xã Thanh Sơn nhằm hạn chế xung đột giữa voi và người. Dự án đang trong quá trình hoàn thành thủ tục đầu tư và chọn lọc nhà thầu, dự kiến cuối năm 2020 sẽ tiến hành thi công, khả năng đến giữa hoặc cuối năm 2021 hoàn thành”. Có được hàng rào điện tử ngăn voi ra xung đột với người ở xã Thanh Sơn là niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Mới đây, trong đợt giám sát về công tác bảo vệ, quản lý rừng tại hai huyện Định Quán, Tân Phú, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã nhấn mạnh: “Voi rừng đang đe dọa an nguy của hàng trăm hộ dân tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh là chủ đầu tư dự án phải liên hệ với các sở, ngành nhanh hoàn thành thủ tục, để khẩn trương thi công hàng rào điện tử. Vì dự án kéo dài thì tài sản của người dân sẽ bị thiệt hại nhiều hơn và tính mạng cũng cận kề với nguy hiểm”.
Mục tiêu hoàn thành 20km hệ thống hàng rào điện tử nối tiếp hàng rào điện tử ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Năm 2020, nguồn vốn bố trí là hơn 10 tỷ đồng, kinh phí còn lại sẽ được bố trí năm 2021. Thời gian thực hiện dự án tối đa là 3 năm kể từ khi bố trí vốn thực hiện.