Cần sự chủ động của người đứng đầu

Sinh viên Trường đại học Phú Yên đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: THÚY HẰNG

Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”. Tại chương trình tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học dành rất nhiều sự quan tâm đến tự chủ đại học, vì đây là chủ trương quan trọng nhất trong việc đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học (GDĐH).

Quang cảnh chương trình tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”. Ảnh: THÚY HẰNG

Quang cảnh chương trình tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”. Ảnh: THÚY HẰNG

TS VŨ NGỌC HOÀNG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ VIỆT NAM: Không có tự chủ thì đại học không khai mở, không sáng tạo

GDĐH Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, đã đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước cũng đã nêu ra rất nhiều chủ trương mạnh mẽ để phát triển GDĐH như Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) của Quốc hội và nhiều quyết định của Chính phủ. Tuy vậy, về mặt quản lý nhà nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể, chủ trương tự chủ đại học đã có nhưng tổ chức thực hiện thì còn nhiều khó khăn, lúng túng. Sự lúng túng đó thể hiện ở chỗ cơ quan chủ quản vẫn còn, trong khi tự chủ là tự nhà trường làm chủ; Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng trên thực tế thì chưa được như vậy (do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng chi phối ngược)…

Không có tự chủ thì đại học không khai mở, không sáng tạo và chỉ đào tạo ra lớp người biết thừa hành. Vì vậy, để thực hiện thành công chủ trương này, các cơ sở GDĐH phải kiên quyết thực hiện đúng những vấn đề có tính nguyên tắc, cốt lõi của tự chủ, gồm tự chủ về chương trình, nhân sự, tài chính và quản trị, trong đó tự chủ chương trình là quan trọng nhất và chi phối các mặt tự chủ còn lại. Khi đó, tự chủ giúp các cơ sở GDĐH chủ động hơn trong việc sắp xếp và tổ chức bộ máy quản lý, gia tăng các cơ chế tài chính để thúc đẩy hoạt động chuyển giao và nghiên cứu khoa học. Từ đó thúc đẩy sự năng động và phát triển của từng cá nhân và kéo theo đó là sự vững mạnh của cơ sở GDĐH.

GS-TS TRÌNH QUANG PHÚ, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN PHƯƠNG ĐÔNG: Tự chủ đại học là xu thế của phát triển

Trước những yêu cầu mới của thời đại, GDĐH nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm tự chủ đại học nhằm khuyến khích các cơ sở đại học công lập chủ động khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn của trường để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách. Đầu tiên là 4 trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT, sau đó mở rộng thêm 13 trường và đến thời điểm này đã có 23 trường được thí điểm tự chủ.

Từ việc tổng kết thí điểm tự chủ của 23 trường, cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong một quá trình và giai đoạn thực hiện cơ chế mới, không thể không có những thách thức và khó khăn xuất hiện. Vấn đề đặt ra là cái gì tốt, cái gì cần cho đại học thì nên đột phá để làm. Và để tự chủ đại học đạt hiệu quả, Chính phủ cần có quy định cụ thể về Hội đồng trường, trong đó quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường; Chủ tịch hội đồng trường phải do Thủ tướng hoặc Bộ GD-ĐT phê chuẩn. Có như vậy thì mới có bộ máy thật sự mạnh, có uy tín và khi đó hội đồng trường mới thật sự là cơ quan chủ quản của trường đại học.

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH: Nhiều thay đổi khi thực hiện tự chủ

Đây là năm thứ 3 trường áp dụng cơ chế tự chủ và tôi có thể khẳng định trong thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, trường đã làm được nhiều việc cho nhà trường, xã hội và người học. Theo đó, từ khi được tự chủ, trường có nhiều thay đổi từ nguồn thu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu cũng như chủ động mở ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, công tác tuyển sinh... đến chất lượng đầu ra, công trình nghiên cứu. Trường cũng chủ động cân đối tài chính chi trả trong việc thu hút đội ngũ giảng viên giỏi... Vì được cân nhắc, tính toán và chi trả lương cho cán bộ, giảng viên nên cùng một công việc có thể người này có thu nhập cao so với người khác tùy vào hiệu quả thực hiện và tinh thần trách nhiệm.

Hiện thu nhập bình quân mỗi tháng của phó giáo sư ở trường là 63 triệu đồng, tiến sĩ là 33 triệu đồng. Đây không phải lương mà là bình quân thu nhập đầu người của trường. Số tiền này bao gồm các khoản lương, dạy, nghiên cứu khoa học, thu nhập vượt giờ dạy, thưởng... Thực tế có người đạt thu nhập trên 100 triệu đồng và cũng có người không đạt mức trên. Ngoài ra, tự chủ cũng tạo điều kiện cho trường tăng cường huy động các nguồn thu ngoài ngân sách. Từ đó có nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được nhiều sinh viên giỏi.

PGS-TS NGUYỄN KIM HỒNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Tăng quyền tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục đại học

So với trước đây, mức độ nhanh nhạy, nắm bắt thị trường lao động, mở các ngành đào tạo mới của khối tư thục vô cùng nhanh chóng. Tuy nhiên, do nhanh nhạy với thị trường nên có không ít trường tư thục vi phạm nguyên tắc về mở ngành, nhất là tiêu chí giảng viên/ sinh viên, tiêu chí về trình độ của giảng viên là một thực tế. Mặt khác, nguồn thu chủ yếu của các trường đại học (cả công lập lẫn tư thục) là học phí. Công thức tăng là tăng cả số sinh viên và cả học phí. Điều này dẫn đến gánh nặng cho người học, đồng thời cũng dẫn đến việc hạ thấp đầu vào của các trường đại học, nhất là với hệ thống các trường tư thục.

Tôi rất mừng khi Luật số 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều quy định quan trọng hướng tới tăng quyền tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Khi các trường xác định rõ mục tiêu của sự thay đổi ấy là hướng đến người học, hướng đến việc gia tăng phúc lợi cho cán bộ, giảng viên và nhân viên của nhà trường, đặc biệt là tạo không gian học thuật có tính cạnh tranh; cơ chế khuyến khích công tác chuyển giao và nghiên cứu khoa học tốt hơn... thì sẽ phát huy tính tích cực của tự chủ đại học.

Tự chủ đại học là vấn đề nóng, được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm của xã hội. Những ý kiến tại buổi tọa đàm không chỉ là phản ánh những vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị mà còn đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách. Bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất, để tất cả cùng đoàn kết nhìn về một hướng, khắc phục khó khăn ban đầu, hướng tới thành công trong tương lai.

GS-TS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng GD-ĐT)

THÚY HẰNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/250485/can-su-chu-dong-cua-nguoi-dung-dau.html