Cần sự đồng thuận trong xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Thời gian qua, người dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) không đồng tình về việc đặt địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao trên địa bàn. Dù dự án mới trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để tìm kiếm nhà đầu tư, nhưng người dân nhất quyết từ chối, thậm chí tập trung đông người để phản đối.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng Tô Xuân Thức cho biết: Tháng 8/2019, Ủy ban nhân dân xã Đông Á đã lập và đề nghị Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung hơn 6ha tại thôn Trưng Trắc B và thôn Đông Hòa.
Sau khi có ý kiến và được các cấp có thẩm quyền (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đồng thuận, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 4717 ngày 29/6/2021 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đông Á.
Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, ý kiến đóng góp của một số sở, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã nhất trí với đề xuất triển khai dự án đường vào phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng khu đất dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Ngày 13/7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nêu trên.
Ngày 16/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có văn bản giao Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng làm chủ đầu tư dự án. Sau đó, địa phương tiến hành các thủ tục cần thiết như: lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; cắm mốc giới quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi… trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đến ngày 26/10/2022, Ủy ban nhân dân huyện ra Quyết định số 5284 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công trình đường vào phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng khu đất để thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tiến hành các thủ tục liên quan, thông báo việc thu hồi đất đối với những hộ dân trong vùng quy hoạch thực hiện dự án.
Đến thời điểm này, địa phương mới chỉ triển khai các nội dung để giải phóng mặt bằng xây dựng đường vào phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng khu đất để thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á. Tuy nhiên, người dân xã Đông Á nhiều lần có đơn kiến nghị, phản ánh gửi các cấp (tỉnh, huyện, xã) thể hiện quan điểm không nhất trí xây dựng nhà máy ở đây.
Người dân không chấp nhận xây dựng nhà máy là vị trí quá gần khu dân cư (chưa đến 500m). Ngoài ra, chính quyền xã không phổ biến về dự án này, thậm chí bỏ qua việc họp dân, đối thoại khi chọn địa điểm xây dựng nhà máy.
Lãnh đạo huyện cùng các phòng, ban, ngành, đoàn thể đã kịp thời gặp gỡ tuyên truyền, vận động và giải thích với công dân về việc xây dựng nhà máy. Yêu cầu công dân không tụ tập đông người, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn; đề nghị công dân cử đại diện để lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn của huyện, của xã Đông Á tiếp, giải thích làm rõ sự việc.
Trao đổi với chúng tôi, người dân không chấp nhận xây dựng nhà máy là vị trí quá gần khu dân cư (chưa đến 500m). Ngoài ra, chính quyền xã không phổ biến về dự án này, thậm chí bỏ qua việc họp dân, đối thoại khi chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Đáng chú ý, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác chỉ cách nhà máy nước sạch xã Đông Huy mấy trăm mét, đây là nơi cung cấp nước cho sáu xã trong khu vực. Ngoài ra cánh đồng hai vụ lúa cũng nằm ngay sát nhà máy xử lý rác thải này.
Để giải tỏa thắc mắc của nhân dân, cuối tháng 12/2022 lãnh đạo huyện Đông Hưng đã tổ chức gặp gỡ với người dân tại xã Đông Á, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Nhìn chung người dân đồng tình với chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao của tỉnh, nhưng “nói không” với việc chọn địa điểm thực hiện ở xã Đông Á bởi lo lắng về những tác động, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, nhất là sức khỏe của những người đang sinh sống tại đây.
Nói về việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Đông Á, ông Nguyễn Xuân Đán, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng cho biết: Qua rà soát trên toàn huyện, không có khu đất nào khác vừa đáp ứng diện tích từ tám đến 10ha. Thứ hai là đáp ứng được khoảng cách tới khu dân cư khác hơn 500m. Qua quá trình nghiên cứu trên bản đồ và thực địa, chúng tôi thấy khu đất quy hoạch hiện nay tại xã Đông Á là phù hợp, đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật.
Chiều 19/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng Tô Xuân Thức trực tiếp đối thoại với 200 người dân đại diện cho bảy thôn thuộc xã Đông Á. Tại đây, hơn 20 ý kiến phát biểu của người dân tiếp tục bày tỏ băn khoăn về việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí khi nhà máy đi vào vận hành.
Nhìn chung người dân đồng tình với chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao của tỉnh, nhưng “nói không” với việc chọn địa điểm thực hiện ở xã Đông Á bởi lo lắng về những tác động, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, nhất là sức khỏe của những người đang sinh sống tại đây.
Bên cạnh đó, vị trí xây dựng đặt quá gần trạm xử lý nước sạch, trường học, khu canh tác nông nghiệp, về lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhiều thế hệ sinh sống. Các nội dung được nêu sẽ tổng hợp thành các nhóm vấn đề để trả lời người dân trong thời gian sớm nhất. Những ý kiến về việc không đặt nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á sẽ được chính quyền huyện Đông Hưng báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, một ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 950 tấn rác thải sinh hoạt. Mấy năm qua, địa phương vẫn loay hoay lựa chọn giữa phương án tiếp tục chôn lấp rác hay chuyển hẳn sang lò đốt. Thực tế cho thấy, bãi chôn lấp đang chiếm nhiều diện tích đất; phát sinh lượng lớn nước rỉ rác ra môi trường; nhiều bãi không hợp vệ sinh, phát tán mùi ra môi trường…
Còn hơn 100 lò đốt rác thủ công đang hoạt động hiện nay phần lớn không đáp ứng quy chuẩn hiện hành. Qua nắm bắt, người dân rất mong muốn lãnh đạo tỉnh có phương án khả thi mang tính lâu dài xử lý triệt để ô nhiễm rác thải sinh hoạt hiện nay. Tuy nhiên nghịch lý là, khi đưa nhà máy xử lý rác thải đến địa phương nào, thì nơi đó từ chối tiếp nhận, thậm chí phản ứng quyết liệt.
Theo các chuyên gia môi trường, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, nên có cam kết về yếu tố môi trường trong khu vực ảnh hưởng để nhân dân yên tâm.