Cần sự hăng hái và gương mẫu của đảng viên từ chi bộ

Trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chú trọng đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn lãnh đạo cách mạng phải có Đảng mạnh, mà muốn Đảng mạnh thì phải có các chi bộ mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1965. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1965. Ảnh tư liệu

Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò, vị trí của đảng viên trong chi bộ, xác định: Đảng là gồm các đảng viên của Đảng mà tổ chức nên; mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên làm, chấp hành; mọi khẩu hiệu, kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện và mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra vai trò quyết định của các đảng viên trong xây dựng chi bộ, Người khẳng định: Đảng viên hăng hái và gương mẫu, chi bộ mạnh, ngược lại, “đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân”, chi bộ kém. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các chi bộ phải chú trọng quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cho tốt, nhấn mạnh đến sự gương mẫu, hăng hái của cán bộ, đảng viên trong chi bộ.

Tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta quán triệt, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trong suốt quá trình xây dựng Đảng, nhất là thời kỳ đổi mới vừa qua. Tháng 6/2022, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng, đưa ra nhiều nội dung quan trọng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên khẳng định: Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu sự hăng hái, gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện, đánh giá, chứng minh thông qua thực tiễn, công việc cụ thể. Người chỉ ra: Quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người thực sự có tư cách, có đạo đức; vì vậy, muốn hướng dẫn quần chúng nhân dân thì cán bộ, đảng viên “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu bằng những việc làm cụ thể trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc, chứ không thể chỉ hô khẩu hiệu và nói lý luận suông. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải không ngừng thể hiện sự tiên phong, gương mẫu bằng cách nâng cao chất lượng công việc của mình: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiệu quả công việc chính là thước đo, là sự đánh giá chuẩn mực về người cán bộ, đảng viên. Vào tháng 12/1956, Người căn dặn, nhắc nhở rằng: Đảng và Chính phủ sẽ lấy thành tích lao động sản xuất tốt hay là kém của cán bộ, đảng viên mà từ đó đánh giá tinh thần yêu nước cũng như đạo đức cách mạng của từng người.

Tính tiên phong, gương mẫu, tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong chi bộ là sản phẩm của quá trình rèn luyện phấn đấu kiên trì, không ngừng nghỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức Đảng, trước hết là từ chi bộ cần chú trọng quan tâm đội ngũ đảng viên một cách toàn diện, chặt chẽ, từ khâu phát hiện, bồi dưỡng, đến kết nạp, rèn luyện… để họ không ngừng trưởng thành, phát triển. Người căn dặn: Đảng chỉ kết nạp những phần tử hăng hái nhất, cách mạng nhất; Đảng cần phải làm cho thành phần của đảng viên trong sạch, phải nâng cao trình độ lý luận, trình độ chính trị, tăng cường tính tổ chức, tính kỷ luật, phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đề ra các biện pháp tích cực, hiệu quả để các tổ chức đảng, các chi bộ làm tốt công tác xây dựng tính hăng hái, gương mẫu cho đảng viên. Người nhắc nhở Đảng cần chú ý đến việc thường xuyên chăm lo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nuôi dạy họ giống như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu, trong đó phải quan tâm trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, đảng viên có ích cho công việc chung của Đảng, của cách mạng. Người cũng nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Để chi bộ xây dựng, phát huy được tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía, nhiều lực lượng, cách làm. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất sâu sắc trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người chỉ rõ cán bộ, đảng viên muốn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, thì Đảng phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Đồng thời, trong Đảng phải nghiêm chỉnh thực hành phê bình, tự phê bình và phải hoan nghênh, khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Người cũng nhấn mạnh: Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc, kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh và công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.

Tiếp tục tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nhất là xây dựng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ chi bộ. Đảng ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, tạo chuyển biến thiết thực trong công tác quan trọng này. Điển hình như vào tháng 6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Quy địnb số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và điều đáng tự hào, trân trọng là Quy định đã sớm đi vào thực tiễn, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.

Trước mắt, các chi bộ, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng cần nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về công tác xây dựng Đảng, trong đó: “Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng” và “Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống”./.

CÔNG MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-su-hang-hai-va-guong-mau-cua-dang-vien-tu-chi-bo-34942.html