ASEAN tiếp tục tăng cường đoàn kết ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội

Bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay đang biến đổi phức tạp, tình hình kinh tế và tài chính cũng tiếp tục đối mặt với những bất ổn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị trong khu vực và quốc tế. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56. Ảnh: ASEAN

Các bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56. Ảnh: ASEAN

ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết

Theo nhận định của Bộ trưởng Công thương Lào Malaythong Kommasith, bối cảnh biến đổi phức tạp của thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng tạo ra cơ hội và thách thức đối với khu vực ASEAN. Trong những năm đối diện với khó khăn chung, song ASEAN vẫn cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 4,1% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 4,6% trong năm nay. Cùng với đó, dù trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức, đầu tư vào ASEAN đã tăng lên 0,3%, từ 229 tỷ USD trong năm 2022 đến 230 tỷ USD trong năm 2023. Giá trị thương mại hàng hóa ASEAN giảm xuống 1,2%, từ 3.846 tỷ USD trong năm 2022 xuống 3.525 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 3.617 tỷ USD trong năm 2024. Những con số biết nói này đã phản ánh cụ thể nội lực của ASEAN, tiếp tục khẳng định ASEAN là tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong nhiều năm qua.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 vừa diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, Bộ trưởng Công thương Lào kêu gọi những người đồng cấp ở các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ và đóng góp ý kiến trực tiếp mang tính xây dựng để tạo sự tự cường cho Cộng đồng kinh tế ASEAN và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân các nước ASEAN, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hợp tác với bên ngoài.

Một trong những trọng tâm ở hội nghị này, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu thảo luận sâu nhiều vấn đề nổi bật nhằm đưa khu vực ASEAN trở thành khu vực thu hút đầu tư nước ngoài và sẵn sàng đối phó với tình hình biến đổi hiện nay, như: Thảo luận sâu sắc các vấn đề liên quan đến tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác ưu tiên quan trọng trong năm 2024; tiến độ xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch phát triển bền vững của ASEAN và hợp tác kinh tế với bên ngoài.

Các đại biểu cùng khẳng định, trước hàng loạt thách thức và cơ hội hiện nay, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác chặt chẽ để tìm ra các biện pháp phù hợp trong việc giải quyết những thách thức, sẵn sàng thực hiện khẩu hiệu của ASEAN trong năm 2024 là “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”.

Khẳng định vai trò trung tâm ASEAN trong hợp tác kinh tế - thương mại

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan đã tái khẳng định cam kết của ASEAN nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh và bền vững chuỗi cung ứng trong khu vực. Các bộ trưởng kinh tế đã thông qua các hướng dẫn sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ (AFAIPC), hy vọng việc đàm phán sửa đổi này có thể bắt đầu từ năm 2025.

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: ASEAN

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: ASEAN

Hội nghị ghi nhận tiến độ quan trọng trong đàm phán sửa đổi Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0 và tái khẳng định cam kết hợp tác với Trung Quốc để đạt được những kết luận quan trọng trong năm 2024, nâng cấp hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN - Trung Quốc lên tầm cao mới.

Các bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng thảo luận về cách thức cải thiện thương mại trong ASEAN, đặc biệt là việc tạo thuận lợi về thương mại và triển khai các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Đồng thời bày tỏ sự hài lòng về tiến độ đạt được, thể hiện tầm quan trọng của hiệp định đối với khu vực, bảo đảm tính hiện đại và rộng khắp; khẳng định đây là thỏa thuận bao gồm cả cái cũ và cái mới phát sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực và quốc tế. Các bộ trưởng bày tỏ hy vọng rằng, việc đàm phán sửa đổi hiệp định sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Nhiều công việc quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đã được các bộ trưởng kinh tế trao đổi, như việc: Thực thi và đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); đàm phán Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số; triển khai các sáng kiến về bền vững trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; tiến độ thực thi Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và xây dựng tài liệu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các kế hoạch chiến lược; xây dựng thành công các chính sách nhằm giải quyết vấn đề khoảng cách tài chính giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)...

Trong đó, các bộ trưởng dành nhiều thời gian thảo luận về việc nâng cấp Hiệp định ATIGA, xử lý các vấn đề tồn đọng lâu năm trong thực thi hiệp định này; các kiến nghị của Nhóm đặc trách cấp cao về hội nhập kinh tế ASEAN liên quan đến việc rà soát cuối kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, xây dựng Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, thực hiện hóa Tầm nhìn ASEAN 2045 và đánh giá các vấn đề mới nổi trong các FTA mà ASEAN đã ký kết với các nước đối tác (FTA ASEAN+); tiến trình gia nhập ASEAN của Timor Leste...

Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua nội dung Tuyên bố ASEAN về tăng cường kết nối chuỗi cung ứng để tiếp tục trình lên Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 24 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2024; thông qua một số văn kiện, tài liệu khác như Bộ chỉ số chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024, Khung mô hình hệ thống công nhận kinh doanh toàn diện ASEAN, tài liệu tham chiếu cho Nhóm công tác về trung hòa carbon.

Cùng với đó, các bộ trưởng cũng thảo luận nội bộ về các hoạt động hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác đối thoại như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Vương quốc Anh... Đồng thời trao đổi sâu rộng về việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác, bao gồm việc rà soát, nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada, việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và khả năng đàm phán một Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Tại hội nghị, Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác kinh tế - thương mại không những của khu vực mà cả trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đóng góp ý kiến tích cực đối với các vấn đề trong hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, như thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế ưu tiên được nước chủ nhà Lào đề xuất, công tác chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định ACFTA 3.0, đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA và khả năng đàm phán FTA giữa ASEAN và Hội đồng GCC, qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với hội nhập kinh tế khu vực, duy trì vai trò tích cực trong các hoạt động tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu cũng như củng cố các chuỗi cung ứng khu vực. Việt Nam cũng đã ghi nhận ý kiến góp ý của các nước ASEAN để có thể hoàn thiện chính sách theo hướng thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-tiep-tuc-tang-cuong-doan-ket-ung-pho-voi-thach-thuc-va-tan-dung-co-hoi-post481518.html