Cần sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh

Vụ việc một học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan cuối năm do ba mẹ không đóng tiền quỹ lớp xảy ra mới đây tại Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) tạo nhiều tranh luận trái chiều trong dư luận xã hội.

Trong đó, hầu hết ý kiến đều lên án cách hành xử không khéo léo, thậm chí có phần thiếu trách nhiệm và tình thương của giáo viên chủ nhiệm cùng các thành viên trong ban đại diện phụ huynh lớp. Song, ở góc độ khác, nhiều người cũng cho rằng, nếu phụ huynh học sinh đó có sự kết nối tốt hơn với giáo viên chủ nhiệm hoặc các phụ huynh khác trong lớp thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc. Sau cùng, chính cách cư xử chưa khéo léo của người lớn đã gây tổn thương cho một đứa trẻ.

Trên thực tế, sự việc nói trên không phải cá biệt tại các trường học. Cách đây 2 năm, giáo viên chủ nhiệm ở một trường tiểu học tại TPHCM nhận được phản ánh của phụ huynh về việc con mình bị bạn bè trong lớp cô lập do không đăng ký môn học tự chọn kỹ năng sống. Thời điểm đó, những học sinh không tham gia tiết học kỹ năng sống đều được giáo viên hướng dẫn xuống thư viện, tham gia các hoạt động đọc sách, vẽ tranh tại thư viện.

Giải thích với phụ huynh, cô giáo cho rằng nhà trường không có bất kỳ phân biệt đối xử nào giữa học sinh đăng ký môn học tự chọn và học sinh không đăng ký. Những học sinh không đăng ký môn tự chọn (có thu tiền) đều được tạo điều kiện tham gia các hoạt động khác tại trường. Tuy nhiên, học sinh vẫn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn kỳ thị, những câu nói so sánh của bạn bè.

Hai sự việc khác nhau nhưng đều giống nhau ở một điểm là nhà trường và gia đình thiếu sự kết nối, cư xử khéo léo trong các vấn đề liên quan đến học sinh. Bởi các em chính là những người chịu tổn thương khi có bất kỳ mâu thuẫn, bất đồng ý kiến nào xảy ra giữa giáo viên và phụ huynh. Trong đó, ngoài việc xử lý công việc dựa trên cơ sở các quy định chung thì trường học cần thêm cái tình, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh.

Ở chiều ngược lại, trong mối quan hệ với giáo viên, phụ huynh không nên thể hiện cái “tôi” quá lớn, thay vào đó là sự tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe để tìm được tiếng nói chung với thầy, cô giáo. Chỉ khi gia đình và nhà trường có sự phối hợp tốt với nhau, học sinh mới được thụ hưởng môi trường giáo dục hiệu quả nhất.

MINH TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-su-ket-noi-giua-nha-truong-va-phu-huynh-post742024.html