Cần sự phối hợp của nhiều bên
Châu Âu đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bởi sự nổi lên của cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan. Điều này đang gây ra một cuộc tranh cãi chính trị gay gắt giữa hai nước, Liên minh châu Âu (EU) và cả Nga.
Khủng hoảng di cư ngày càng nghiêm trọng
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã leo thang mạnh từ ngày 8.11, sau khi hàng nghìn người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi đổ về đây. Hiện tại, ước tính khoảng 4.000 người di cư đang tìm mọi cách để vượt qua biên giới giữa Belarus - Ba Lan, nơi mà họ coi là cửa ngõ để tiến sâu hơn vào châu Âu. Theo một thống kê, trong 9 tháng năm 2021, lực lượng biên phòng Ba Lan đã ngăn chặn 9.287 lượt người tìm cách vượt biên giới từ Belarus sang nước này, trong đó riêng tháng 8 và 9, có tới 8.000 lượt người bị chặn.
Ảnh: Reuters
Chính phủ Ba Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động 12.000 nhân viên cảnh sát, quân đội để hỗ trợ lực lượng biên phòng tại khu vực biên giới với Belarus. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus cũng ra thông báo về việc tăng số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ dọc theo các khu vực biên giới phía Tây và Tây Bắc. Tại Litva, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố và áp dụng ở khu vực biên giới với Belarus; Ukraine cũng tuyên bố sẽ triển khai thêm 8.500 quân tới biên giới với Belarus. Tần suất hoạt động của máy bay NATO tăng gấp đôi ở biên giới Belarus.
Ba Lan và EU cáo buộc Chính phủ Belarus gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách cho người từ nước ngoài vào và đưa họ đến biên giới với cam kết giúp họ dễ dàng vượt biên vào khối này. Cáo buộc này bị Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bác bỏ. Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus cho rằng người tị nạn không gây ra mối đe dọa và chỉ muốn xin tị nạn tại Ba Lan. Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo cáo buộc Ba Lan vi phạm quyền quốc tế về tị nạn khi đẩy người di cư trở lại Belarus, thay vì nhận đơn xin tị nạn của họ.
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU ngày 15.11 đã quyết định trừng phạt đối với Belarus liên quan cuộc khủng hoảng người di cư. Theo đó, lệnh được áp dụng đối với các hãng hàng không và du lịch được cho là liên quan đến việc đưa người di cư tới biên giới EU. Giới phân tích cho rằng, với gói trừng phạt mới này, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến cuối năm nay thậm chí sang năm 2022. Tuy vậy, có rất ít khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Đây không phải là lần đầu tiên châu Âu đối mặt với khủng hoảng di cư. Sáu năm về trước, cũng từng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khác thời điểm đó, khi dòng người di cư ồ ạt đổ vào mọi ngả châu Âu, thì nay chỉ có một tuyến đường duy nhất là từ Belarus tiến vào biên giới Ba Lan.
Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: “Đây là cuộc tấn công kép, không phải là khủng hoảng di cư”, nhưng theo Foreign Policy, những gì đang diễn ra ở biên giới Belarus - Ba Lan vừa là một cuộc tấn công, vừa là khủng hoảng di cư. Việc giới lãnh đạo EU từ chối công nhận thực tế này một phần là lý do khiến EU đang đối mặt với hỗn loạn ở biên giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng di cư có nguồn cơn từ mâu thuẫn một bên gồm Nga và Belarus và bên kia là các nước EU và Mỹ trong vấn đề lợi ích địa chính trị. Theo quan điểm của Nga, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đã kéo dài nhiều năm, một phần do châu Âu và các nước đồng minh khác như Mỹ can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền. Moscow viện dẫn sự sụp đổ của nhà nước Iraq, Mùa xuân Ảrập, chiến dịch của NATO chống lại Libya hay vấn đề Crimea, Đông Ukraine,…
Điều khiến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay thêm trầm trọng một phần do cách tiếp cận cứng rắn của EU với di cư - một vấn đề lẽ ra có thể quản lý được. Trong khi EU luôn đổ lỗi cho Belarus và Nga nhưng chính những chính sách tị nạn yếu của EU cũng là nguyên nhân. Thay vì quan tâm tới nguyên nhân những người di cư phải rời bỏ chỗ ở và bảo vệ họ, EU lại quá ám ảnh với việc tập trung vào quân sự hóa vấn đề nhân đạo và làm xói mòn khái niệm tị nạn, ảnh hưởng tới những nguyên tắc của EU.
Các vấn đề đang được quan tâm
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi không chính trị hóa vấn đề người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi Chính phủ các nước trong khu vực cần hành động để cứu lấy mạng sống của nhiều người. Các tổ chức từ thiện cho biết người di cư đang gặp tình trạng khó khăn khi cố vượt biên từ Belarus trong thời tiết lạnh giá, thiếu đồ ăn và chăm sóc y tế, đã có những người di cư thiệt mạng. Vì vậy, Ngày 16.11, Cao ủy châu Âu về Nhân quyền của Hội đồng châu Âu, bà Dunja Mijatovic, đã kêu gọi giảm căng thẳng ở biên giới hai nước và cho phép các tổ chức nhân đạo, truyền thông được vào các khu vực này.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cần sự chung tay của nhiều quốc gia trong khu vực cùng các tổ chức quốc tế. Trong đó, Nga tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách có thể để giải quyết tình hình khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus và EU với tư cách là trung gian hòa giải. Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Belarus Lukashenko đã thảo luận về tình hình di cư; về hỗ trợ nhân đạo, tạo cơ hội hồi hương cho người di cư, nhằm ngăn tình hình căng thẳng biên giới leo thang hơn nữa.
Trong khi đó, các chuyên gia hoài nghi về các biện pháp trừng phạt của EU và cho rằng, điều đó sẽ không khiến Tổng thống Lukashenko thay đổi vì ông ấy đã vượt qua mọi giới hạn và có thể không có ý định quay trở lại chiến thuật thông thường để cân bằng giữa Nga và phương Tây. Belarus đã đe dọa cắt dòng chảy khí đốt tới châu Âu. Động thái này có thể gây thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh châu lục này vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Hơn nữa, lệnh trừng phạt có thể khiến Belarus cắt đứt mọi sự hợp tác với EU và liên kết chặt chẽ hơn với Nga. Trước đó, Nga và Belarus, ngày 4.11, đã ký văn kiện hội nhập của Nhà nước Liên minh tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tối cao, tạo động lực để hai bên xích lại gần nhau hơn.
Như vậy, cuộc khủng hoảng di cư châu Âu cần được giải quyết ở cả cấp độ toàn cầu, gồm Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế; cấp khu vực, gồm EU, Nga và các nước có liên quan; và giải quyết tận gốc vấn đề ở các nước sở tại, nơi người dân di cư đang sinh sống, chấm dứt chiến tranh, phát triển kinh tế, làm cho người dân bám giữ lấy mảnh đất quê hương mình.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-su-phoi-hop-cua-nhieu-ben-b0pp8m3qnu-66604