Cần sự phối hợp liên ngành để can thiệp cho trẻ rối loạn học tập
Chiều 25/7, tại tọa đàm khoa học 'Rối loạn học tập: Hiểu biết để hành động', nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần sự phối hợp liên ngành để can thiệp cho trẻ Rối loạn học tập (RLHT).
Tọa đàm do Viện Di truyền Y học, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đồng tổ chức.
Theo các nhà nghiên cứu, RLHT (leaning disability) là một trong những biểu hiện của bất thường phát triển thần kinh. RLHT có thể gặp ở 10-15% trẻ tuổi học đường, và có thể kéo dài về sau, nếu không có biện pháp can thiệp thích hợp, vì thế đã và đang được nhiều nước quan tâm.
Hiện đối tượng này ngày càng nhiều nhưng lại không biết can thiệp như thế nào. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị rối loạn học tập nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nhiều ý kiến cho rằng nên có danh mục trẻ bị RLHT để cả xã hội can thiệp.
Theo TS Giang Hoa (Viện Di truyền Y học), bên cạnh các biện pháp chẩn đoán các bệnh lý gây nên chứng rối loạn bệnh tật trước đây, nay nhờ có thêm giải pháp về di truyền mà người ta có thêm cơ sở để chẩn đoán, loại trừ. Giải pháp này cũng chẩn đoán được 26% trường hợp.
Ở góc nhìn từ giáo dục, ThS Hoàng Thị Nga (Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định các dạng tật hiện nay ở Việt Nam bao gồm 6 dạng, đó là: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác. Mỗi một dạng khuyết tật đều có các tiêu chí nhận dạng và đặc điểm nhận biết khác nhau. Theo Luật này, khuyết tật học tập (KTHT) vẫn chưa được thể hiện rõ trong phân loại các dạng tật. Học sinh KTHT thường bị nhầm lẫn với học sinh khuyết tật trí tuệ và thường được bạn bè, giáo viên cho rằng thành tích học tập yếu kém là do các em lười biếng, ngu dốt, ẩu, khờ...
Thời điểm xác định trẻ có bị KTHT hay không diễn ra chậm hơn các dạng khuyết tật khác. Khó khăn trong học tập tập bắt đầu thể hiện trong suốt tuổi đến trường nhưng cũng có thể chưa thể hiện đầy đủ cho tới khi những yêu cầu về kĩ năng đó vượt quá khả năng của cá nhân trẻ. Do đó cần nhiều thời gian để chẩn đoán chính xác dạng khuyết tật này.
Thêm vào đó, nguyên nhân gây nên khuyết tật là do khiếm khuyết chức năng của hệ thần kinh, khuyết tật trí tuệ, độ nhạy bén không hoàn chỉnh của thị giác, thính giác, rối loạn tâm thần hoặc thần kinh khác, rối loạn tâm lí xã hội, thiếu hụt năng lực trong ngôn ngữ hướng dẫn học đường hoặc phương pháp giáo dục bất phù hợp không phải là nguyên nhân gây ra KTHT.
Chính vì vậy, việc nhận diện và xác định học sinh KTHT không hề dễ dàng và đơn giản, cần sự tham gia của nhóm các nhà chuyên môn gồm bác sĩ thần kinh nhi, chuyên viên tâm lý, các nhà trị liệu, giáo viên giáo dục đặc biệt và các giáo viên dạy trực tiếp học sinh. Tuy nhiên góc nhìn hệ thống này vẫn chưa được triển khai hiệu quả tại Việt Nam.