Cần sự thiện chí cả hai bên
Nếu các nỗ lực của cộng đồng quốc tế không đạt được thành công và xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, hiện đang kiểm soát dải Gaza, tiếp tục kéo dài với sự tham gia của một bên thứ ba, Trung Đông có nguy cơ đối diện với một cuộc xung đột lớn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và ổn định tại khu vực vốn vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những hệ lụy của làn sóng nổi dậy Mùa Xuân Arab năm 2011.
Nỗ lực của cộng đồng quốc tế
Cuộc xung đột Israel - Hamas diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng dai dẳng chưa được giải quyết tại Yemen, Syria, Libya... Một khi xung đột và bạo lực lan rộng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề mà Trung Đông đã từng phải hứng chịu trong thập niên trước, như bất ổn, làn sóng di cư, sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố và thảm họa nhân đạo. Mặc dù khó đoán định do mức độ và quy mô không như các cuộc xung đột trong khoảng hai thập niên qua, nhưng theo đánh giá của giới phân tích khu vực, với các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia Arab và Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập, giao tranh lần này giữa Isarel và Hamas sẽ không kéo dài trong trung hạn do “những tính toán và nhượng bộ chiến lược” của tất cả các bên. Họ đang tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ để ngăn chặn các cuộc đối đầu quân sự và bảo vệ dân thường ở cả Palestine và Israel.
Các nước kêu gọi tìm kiếm một giải pháp công bằng và toàn diện cho cuộc xung đột dựa trên việc thiết lập một nhà nước Palestine độc lập; bày tỏ lo ngại cuộc tấn công của Israel nhằm vào dải Gaza sẽ gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. Bên cạnh đó họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẩn cấp mở hành lang nhân đạo nhằm vận chuyển nhu yếu phẩm, cung cấp điện nước cho khu vực này. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi, bạo lực gia tăng và hậu quả tiềm tàng cho toàn bộ khu vực.
Từ châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cách duy nhất để chấm dứt bạo lực là cần phải đảm bảo an ninh cho Israel và thiết lập một nhà nước cho người dân Palestine. Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Norway Anniken Huitfeldt tuyên bố không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột và cách duy nhất để đạt được hòa bình là khởi động lại tiến trình chính trị. Từ châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố nước này sẵn sàng đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải cho cuộc chiến Hamas-Israel, dựa trên kinh nghiệm giải quyết xung đột. Ông cũng hối thúc mở ngay lập tức và vô điều kiện “các hành lang nhân đạo” ở Trung Đông để hàng viện trợ có thể đến tay những người cần viện trợ khẩn cấp. Trong ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola đã tới Israel và có các cuộc gặp với ban lãnh đạo, các quan chức quốc phòng và Chính phủ khẩn cấp của nước chủ nhà.
Trong lịch sử xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập niên qua, không ít lần các đợt giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, song sau một thời gian thì các thỏa thuận ngừng bắn đều bị phá vỡ, bởi những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột chưa được giải quyết tận gốc rễ. Cộng đồng quốc tế nhiều năm qua vẫn hối thúc các bên bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, đồng thời trở lại con đường đàm phán nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa một giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung, bảo đảm lợi ích của người Israel và người Palestine. Ngoài nỗ lực của cộng đồng quốc tế, để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đòi hỏi thiện chí từ cả Israel lẫn các phe phái của Palestine.
Và thế khó của Mỹ
Các cơ sở công nghiệp quân sự của Mỹ đang căng mình trước những áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine nhưng giờ lại nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas. Và phạm vi, quy mô của cuộc xung đột này có thể gia tăng. Ngoài ra, mối lo ngại cũng đang rình rập với Mỹ là vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc) vốn vẫn căng thẳng. Mỹ đang gặp khó với cả ba tình huống, trong đó có hai tình huống là những cuộc giao tranh toàn diện. Trong khi các nguồn tài nguyên của quốc gia không phải là vô hạn, và sự xung đột giữa các dòng chính trị đang làm xáo trộn nền dân chủ của Mỹ cho thấy rằng, Washington khó có thể thống nhất về việc sẵn sàng can dự quân sự vào cả ba trường hợp - mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tuyên bố sẵn sàng ứng phó.
Với cuộc phản công của Ukraine, hiện sắp kết thúc khi mùa Đông đến gần, súng, pháo của họ bắn khoảng 6.000 viên đạn mỗi ngày, mặc dù Kiev có nhu cầu sử dụng 10.000 viên/ngày - một phần nhỏ so với khoảng 60.000 viên mỗi ngày mà Nga đang sử dụng. Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng sản xuất đạn pháo của Mỹ - đặc biệt là loại đạn tiêu chuẩn 155mm - từ mức 14.000 viên/tháng trước xung đột lên 24.000 viên/tháng hiện nay, với kế hoạch sớm tăng con số đó lên 28.000 viên/tháng. Nhưng không rõ có bao nhiêu đạn pháo trong số đó sẽ được dành cho Ukraine. Mỹ cũng phải đối mặt với nhiệm vụ ngày càng thách thức là mua các linh kiện công nghệ cao cho tên lửa hành trình, pháo binh và máy bay không người lái phức tạp, trong bối cảnh giá các linh kiện và chip bán dẫn đã tăng 300% và giá thành của lithium tăng 400%, theo khảo sát của trang tin Defense News.
Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận công khai nào về việc tăng cường vận chuyển vũ khí tới Israel, mặc dù chính quyền Mỹ đã ra hiệu trước Quốc hội nước này rằng yêu cầu như vậy có thể sắp được đưa ra. Bản ghi nhớ 10 năm mới nhất (2018 - 2028) giữa Mỹ và Israel có cam kết viện trợ quân sự 38 tỷ USD. Vào năm 2023, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 520 triệu USD cho các chương trình phòng thủ chung giữa nước này và Israel, phần lớn là dành cho phòng thủ tên lửa. Nhưng hầu hết các nhà quan sát độc lập đều cho rằng, tốc độ tấn công bằng tên lửa của Hamas có nghĩa là Israel sẽ cần bổ sung đạn dược khẩn cấp và ngay lập tức cho hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của mình.
Cuối cùng, có một vấn đề quan trọng, mặc dù hiếm khi được đề cập đến, là việc tiêu hao đạn dược của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tự vệ của nước này. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, Washington có thể tiếp tục hỗ trợ cho cả Ukraine, Israel và duy trì sự sẵn sàng toàn cầu của họ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ dường như không có dấu hiệu rõ ràng nào dẫn đến thành công cho cả Ukraine hay Israel, chứ chưa nói đến mặt trận Thái Bình Dương. Hiện tại, Nhà Trắng được cho là đang xem xét gộp viện trợ cho cả Ukraine và Israel vào một gói, vì Israel có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn của lưỡng đảng.
Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, cách tiếp cận như vậy đặc biệt khả thi vì nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã kiên quyết phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong khi ủng hộ mạnh mẽ việc hỗ trợ quân sự bổ sung cho Israel. Quan điểm rằng Mỹ sẽ luôn đến giải cứu và cung cấp vũ khí quân sự để hỗ trợ một đồng minh đang cần giúp đỡ có thể dễ được chấp nhận - nhưng một ngày nào đó Washington sẽ phải đối mặt với những lựa chọn và thực tế khó khăn.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/can-su-thien-chi-ca-hai-ben-i710346/