Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống

Nghị quyết 21-NQ/TW là bước ngoặt của chính sách dân số hay nói cách khác là một cuộc cách mạng về chính sách dân số ở Việt Nam. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để đưa Nghị quyết này tiếp tục đi sâu vào thực tiễn cuộc sống.

Sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII đề ra và tiếp tục duy trì từ đó đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), có được những kết quả như vậy là do Đảng và Nhà nước ta có chính sách đúng đắn về công tác DS-KHHGĐ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác dân số nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước nên bắt đầu phát sinh những hệ lụy như gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số nhanh. Công tác dân số mới tập trung vào kế hoạch hóa gia đình.

Cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số, quản lý di dân chưa được chú trọng đúng mức. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.

Bối cảnh và các vấn đề dân số đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Với nguyên tắc chung của Đảng là lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm "Tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển".

Nghị quyết xác định: Công tác dân số cần chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 21-NQ/TW là bước ngoặt của chính sách dân số hay nói cách khác là một cuộc cách mạng về chính sách dân số ở Việt Nam. Nghị quyết 21-NQ/TW đã tổng kết những thành công, đồng thời cũng nhìn nhận rõ những hạn chế của công tác dân số và chỉ rõ những vấn đề dân số, những tác động của nó đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm, Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra hệ quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới cho chính sách dân số của nước ta trong tình hình mới.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Nghị quyết 21-NQ/TW đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn hiện nay, do vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền của các ban ngành đoàn thể và các địa phương đã tích cực hưởng ứng Nghị quyết này. Hầu hết các địa phương đã tổ chức học tập và ban hành nghị quyết để triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW. Nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai, đầu tư cho công tác dân số...

Tuy nhiên, GS Nguyễn Đình Cử cũng cho rằng, đây là một chính sách dân số hoàn toàn mới, thay đổi cả phương hướng công tác dân số trong hơn 60 năm qua. Do đó, để đưa Nghị quyết 21-NQ/TW tiếp tục đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định thành công của công tác dân số, nhất là khi chúng ta chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển, thay đổi một vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân, từng gia đình, từng dòng họ trong mấy chục năm qua.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/can-su-vao-cuoc-cua-ca-he-thong-chinh-tri-tiep-tuc-dua-nghi-quyet-21-nq-tw-vao-thuc-tien-cuoc-song-17222080419544645.htm