Cần sửa đổi, hoàn thiện thể chế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu hécta đất có rừng với độ che phủ 57,4%. Hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng tăng 0,9%, cao nhất so với các vùng trên cả nước
Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, để rừng thực sự là “vàng; rừng không phải là gánh nặng mà đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân khu vực có rừng. Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực Bắc Trung Bộ. Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức sáng nay (20/4), tại tỉnh Quảng Bình.
Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu hécta đất có rừng với độ che phủ 57,4%. 5 năm qua, các địa phương trong khu vực này đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng trồng tăng nhanh; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng tăng 0,9%, cao nhất so với các vùng trên cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về các cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép nhỏ lẻ; xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các đơn vị chủ rừng tại các địa phương, vùng giáp ranh với các tỉnh vẫn còn xảy ra. Năng suất rừng trồng đã có sự cải thiện nhưng chưa cao, giá trị rừng trồng còn thấp, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, gỗ dăm giấy; đóng góp của ngành lâm nghiệp vào GRDP chưa tương xứng với tiềm năng về rừng và đất lâm nghiệp hiện có. Đời sống của lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn; hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp chưa cao… Trung ương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong bảo vệ, phát triển rừng bền vững:
“Đề nghị Trung ương nghiên cứu cho phép việc cải tạo rừng nghèo kiệt là rừng tự nhiên đối với diện tích rừng không thể phục hồi về giá trị kinh tế, tính đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ. Có cơ chế đối với lực lượng bảo vệ rừng về tiên lương, chế độ phụ cấp, đãi ngộ; bố trí thêm biên chế cho lực lượng Kiểm lâm. Cần nghiên cứu tăng thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao”- Ông Trần Thắng kiến nghị.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương. Cụ thể, nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra nhưng chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa giải quyết triệt để. Phát triển rừng chưa gắn kết với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Ngân sách Trung ương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong khi ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn. Rừng và đất lâm nghiệp hiện đang tạm giao cho chính quyền cấp xã còn khá lớn, nhiều nơi quản lý lỏng lẻo, xảy ra xâm lấn, tranh chấp. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cấp xã chưa cao.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:
“Các cơ chế, chính sách và đặc biệt các khung pháp như thế nào để chúng ta tổ chức triển khai thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Làm sao để biến rừng và kinh tế rừng trở thành động lực phục vụ cho phát. Và rõ ràng chúng ta có "biển bạc" và "rừng vàng" của chúng ta sẽ được nhìn nhận như thế nào chứ không phải là rừng đóng kín, chỉ là khoanh vùng để bảo chặt chẽ, tuyệt đối không cho vi phạm pháp luật để khai thác gỗ. Vậy rừng có thực sự động lực không hay là gánh nặng cho các địa phương và người dân sống ở vùng rừng khi chúng ta đặt nặng câu chuyện quản lý và bảo vệ rừng”./.