Cần sửa đổi nhiều nội dung Luật Điện ảnh cho phù hợp với thời đại số

Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc với sự tham gia đóng góp của đại diện các cơ quan, đơn vị, hội nghề nghiệp, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động điện ảnh.

Hội nghị - hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đạt nhiều thành tựu lớn về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) để sớm hoàn thiện trình Chính phủ vào năm 2021.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 44 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. Có thể kể đến như quy định về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp lĩnh vực điện ảnh; mở rộng đối tượng được nhập khẩu phim; quy định đối với việc phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; việc phổ biến phim trên không gian mạng... và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tính khả thi của các nội dung mới được đưa vào, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong thời đại công nghệ số, hướng tới phát triển công nghiệp điện ảnh thành ngành mũi nhọn trong xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Cụ thể, dự thảo Luật cần bổ sung nội dung phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, thị trường điện ảnh, làm rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền cấp phép phim, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sao cho khả thi hơn...

Nhiều ý kiến tập trung vào nội dung phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng. Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) Lê Mạnh đồng tình việc phim phổ biến trên không gian mạng phải được cấp giấy phép phổ biến, bên cạnh đó Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát hành, phổ biến phim trên mạng...

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/985653/can-sua-doi-nhieu-noi-dung-luat-dien-anh-cho-phu-hop-voi-thoi-dai-so