Cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh để bảo đảm tính thực thi trong các quy định.

Chiều 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên đánh giá cao quá trình chỉnh lý hồ sơ của dự án luật này so với kịch bản lần trước trình Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng như tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý rất nhiều.

Đặc biệt Luật đã làm rõ những vấn đề chính sách đặc thù để bảo đảm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh có cơ hội và điều kiện phát triển vượt trội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong tình hình mới”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến đồng thời đại biểu chỉ ra: Thứ nhất, liên quan đến quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chúng ta đã có những quy định rất chung về các lĩnh vực, cơ cấu chức năng, nhiệm vụ liên quan đến tổ hợp này. Tuy nhiên, trong điểm c khoản 2 Điều 42 có quy định được trích một phần từ quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để tránh trùng lặp với nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển khoa học, công nghệ, của doanh nghiệp hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và danh sách cơ sở công nghiệp quốc phòng là thành viên tổ hợp do Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Đại biểu cũng cho rằng, quy chế hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đang phân cho hạt nhân là tổ hợp công nghiệp quốc phòng như thế liệu có phù hợp hay không?

Thứ hai, tổ hợp công nghiệp quốc phòng không phải là một pháp nhân mà là một hệ thống liên kết hợp tác cơ sở công nghiệp quốc phòng của tổ chức doanh nghiệp. “Do vậy chúng ta phải làm rất rõ quy định về tổ chức việc này, đồng thời xem xét lại tính hợp lý của các quy định chính sách chung cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng tại Điều 44 để đảm bảo tính khả thi”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Liên quan đến quy định về phân định nhiệm vụ giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, vị đại biểu này cho hay, trong Dự thảo luật có những điều khoản đã đề cập đến vấn đề này trên nguyên tắc là tránh “trùng dẫm” trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh ở tại các Điều 3, Điều 4, Điều 76…

Đại biểu lý giải, mặc dù thực tế hiện nay thì công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh có những sản phẩm chung. Tuy nhiên khi xác định đưa vào cùng một dự án luật và đề ra nguyên tắc tránh “trùng dẫm” trong đầu tư thì cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh để bảo đảm tính thực thi trong các quy định.

Công nghiệp an ninh hiện tại thì chỉ có quy mô nhỏ, hoạt động thực tiễn, chưa gặp nhiều vấn đề vướng mắc như là công nghiệp quốc phòng nhưng tôi cho rằng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của công an trong tương lai cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo động lực phát triển cho lĩnh vực này”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Một nội dung nữa liên quan đến Điều 66 về chế độ, chính sách đối với người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng chúng ta quy định chế độ, chính sách ở đây nếu có điều kiện thì tốt, tuy nhiên quy định như thế này thì đối tượng rất rộng. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị cần hạn chế một số hoạt động trọng yếu liên quan đến động viên công nghiệp mà người lao động trực tiếp được hưởng đầy đủ các chế độ, còn lại một số thì có thể hưởng một số chế độ trong đó, không hưởng toàn bộ các chế độ đầy đủ như thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

Bên cạnh đó, ở Điều 45 có quy định chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, nhưng ở đây lại không có quy định chính sách đối với nhà khoa học. Trong khi đó, tại Điều 25 khi nói nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh thì nói đến chuyên gia và nhà khoa học, đề nghị cần rà soát lại để bổ sung chính sách cụ thể”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-tach-bach-ro-rang-nhiem-vu-cua-cong-nghiep-quoc-phong-va-cong-nghiep-an-ninh-323319.html