Cần tầm nhìn xa để phát huy tiềm năng sông Sài Gòn

Tại hội thảo 'Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn' do Báo Nhân Dân tổ chức chiều nay (18/8) tại TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định cần phải nâng tĩnh không cầu lên và có nhiều giải pháp để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh sông nước, có tầm nhìn để không phải trả giá trong tương lai.

Tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất tiềm năng sông nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết hội thảo nhằm tìm các những giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch cảng Sài Gòn trong định hướng chuyển đổi cảng Sài Gòn trở thành cảng du lịch quốc tế; tạo thêm những loại hình du lịch đặc sắc góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch thành phố, đúng với tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân phát biểu khai mạc.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân phát biểu khai mạc.

Theo ông Lê Quốc Minh, cầu Thủ Thiêm 4 là cửa ngõ khu vực cảng Sài Gòn, việc tính toán thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TP.HCM: "Thiết kế tĩnh không cầu cao, hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng sông nước tại khu vực này".

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 (ảnh Sở GTVT TP.HCM)

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 (ảnh Sở GTVT TP.HCM)

Cần định hướng TP.HCM là trung tâm du lịch quốc tế

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cho biết, TP.HCM từng là thương cảng quốc tế sầm uất. Do đó, TP.HCM nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước, với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Làm được như vậy, trong tương lai, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển.

TS Trần Du Lịch nói: "Để bàn chuyện cầu bao nhiêu, lãnh đạo TP.HCM phải tính toán nhà tư vấn mảnh đất này làm gì gắn với phát triển. Nếu chúng ta quyết cái này mang tính chiến lược thì ta bàn kỹ thuật xây cầu. Còn bàn chuyện xây cầu trước rồi bàn chuyện này là bàn ngược".

Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến theo thiết kế chỉ 10m là rất lạ, sẽ chặn đứng những con tàu đi sâu vào TP.HCM… Do đó, TP.HCM cần phải có tầm nhìn xa để không phải trả giá trong tương lai: "Hôm nay chúng ta không nhận ra thì sẽ trả giá rất nhiều cho tương lai. Tôi rất cảm động khi tham dự Lễ hội sông nước TP.HCM vừa rồi và tôi hy vọng đây là sự khởi đầu cho quá trình nhìn lại đầy đủ hơn, bền vững hơn, lâu dài hơn về tương lai TP.HCM chúng ta".

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng khẳng định, nhất thiết phải nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng nếu nâng tĩnh không cầu có thể tốn rất nhiều tiền trước mắt, nhưng nếu không nâng tĩnh không cầu sẽ đánh mất rất nhiều thứ trong tương lai, cản trở sự phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá nếu như cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không thấp thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như không phát huy được đường ven sông trong tương lai, gây lãng phí lớn, cản trở sự phát triển của TP.HCM. Theo ông Trần Đình Thiên, TP.HCM hay các tỉnh Đông Nam bộ khi làm gì cũng phải nghĩ đến những con sông thuần Việt này đang giữ cho chúng ta rất nhiều thứ để tìm ra các giải pháp.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm ghi nhận ý kiến.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm ghi nhận ý kiến.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, góc nhìn ở đây còn lớn hơn, phải nhìn ở góc nhìn kinh tế đô thị. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 dựa trên quy hoạch Thủ Thiêm, đã vạch ra từ 20 năm trước. Nhưng hiện nay, TP.HCM đang đứng trước cơ hội nên cần tận dụng, phải có tư duy quy hoạch tích hợp, liên kết với nhau. Quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 hiện vẫn chưa ở vị trí hoàn hảo và cần suy nghĩ lại, hướng tuyến chứ không chỉ tĩnh không bởi đây không phải là chuyện cây cầu mà còn là vấn đề cơ hội phát triển của TP.HCM. Ngoài ra cần nghĩ đến giá trị lịch sử, làm sao phát huy giá trị của Bến Nhà Rồng…

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay thuận lợi là TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung. Với cầu Thủ Thiêm 4, ngành giao thông sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, nghiên cứu các phương án, kịch bản. TP.HCM không "máy móc" là quy hoạch sao thì làm, mà khi cần điều chỉnh sẽ yêu cầu điều chỉnh. Riêng câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 là không khó và chi phí cũng không phải là yếu tố cản trở. TP.HCM sẽ rà soát quy hoạch, có tầm nhìn dài hạn và giao thông phải phục vụ sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội... Theo ông Trần Quang Lâm, khi có Nghị quyết 98 thì TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi có thể huy động được nhiều nguồn vốn.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/can-tam-nhin-xa-de-phat-huy-tiem-nang-song-sai-gon-post1040253.vov