Cần tăng cường công tác thú y
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng bền vững, tuy nhiên, thách thức không nhỏ là các loại dịch bệnh bùng phát, đòi hỏi phải tăng cường công tác thú y.
Công tác thú y đóng vai trò rất quan trọng, góp phần bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm, thúc đẩy kinh tế chăn nuôi phát triển. Mặc dù vậy, hiện nay rất nhiều loại dịch bệnh xuất hiện gây thiệt hại nặng nề cho đàn gia súc, gia cầm như H5N1 ở gà, vịt; lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế dứt điểm. Những căn bệnh trên tuy đã được xử lý nhưng luôn là nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi ở tỉnh ta, đòi hỏi cần tăng cường lực lượng đội ngũ thú y viên.
Theo rà soát, đánh giá thực trạng cán bộ thú y trên địa bàn tỉnh, hoạt động thú y hiện gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể như, sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tổng biên chế Chi cục Chăn nuôi và Thú y từ 42 người xuống chỉ còn 18 người, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Số 23 cán bộ, nhân viên thú y của Chi cục được bàn giao về các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện, thành phố quản lý thì chỉ có 14 người đến làm việc. Theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND, ngày 17/8/2018 của HĐND tỉnh Bắc Kạn quy định mỗi xã có 01 nhân viên thú y. Tuy nhiên ở một số xã, nhân viên thú y phải kiêm nhiệm từ 1-2 công việc khác hoặc cán bộ thực hiện công việc khác kiêm nhiệm chức danh nhân viên thú y theo sự phân công của UBND cấp xã nên hiệu quả hoạt động không cao.
Với số biên chế được giao ít, phải đảm đương các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y và các nhiệm vụ liên quan khác, đặc biệt khi phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên diện rộng thì công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở vô cùng khó khăn do thiếu nguồn nhân lực. Theo quy định của Luật Thú y, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thì đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch (cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh). Tuy nhiên, các trạm thú y cấp huyện đã chuyển về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y và không được ủy quyền cấp kiểm dịch. Do vậy, Chi cục phải bố trí cán bộ thường xuyên đi kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại cơ sở, rất khó khăn trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và giám sát dịch bệnh, trong khi đó số biên chế của Chi cục đang thiếu. Cùng với đó, phương tiện công (xe ô tô) phục vụ công tác chống dịch cũng không có, làm ảnh hưởng nhiều đến việc chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh ở cơ sở.
Ngoài ra, nhiều huyện cán bộ có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y còn thiếu dẫn tới công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo kết quả về lĩnh vực chăn nuôi, tình hình dịch bệnh không kịp thời, chất lượng báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát dịch bệnh tại cơ sở không được thực hiện thường xuyên. Có huyện chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên môn, phải phụ trách nhiều lĩnh vực nên gặp khó khăn trong việc tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn cấp huyện; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ đầu mối không được thực hiện thường xuyên do thiếu cán bộ chuyên môn, dẫn đến nguy cơ cao lây lan dịch bệnh và gây mất an toàn thực phẩm.
Đối với đội ngũ thú y cấp xã thì một số xã không bố trí được người có chuyên môn phù hợp để làm công tác thú y, phải bố trí cán bộ không có chuyên môn kiêm nhiệm, dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, bệnh cho vật nuôi không hiệu quả, công tác phát triển chăn nuôi còn nhiều hạn chế, kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp. Đến thời điểm hiện nay có nhiều xã chưa có cán bộ thú y; nhiều xã cán bộ phụ trách thú y không có trình độ chuyên môn hoặc cán bộ phụ trách thú y chỉ có trình độ sơ cấp thú y. Việc bố trí cán bộ phụ trách thú y tại các xã, phường, thị trấn không ổn định, mức phụ cấp chi trả thấp, dẫn đến một số cán bộ thú y không tâm huyết với nghề, thường bỏ việc giữa chừng hoặc chuyển làm việc khác, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Đồng chí Trần Thị Thứ- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn chia sẻ: "Cả Trung tâm có 5 biên chế thì có mỗi tôi là chuyên môn thú y, do vậy quá trình chống dịch, dập dịch, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tiêm vắc xin trên trâu, bò, lợn thời gian qua là quá vất vả, gian khổ".
Đồng chí Đỗ Xuân Việt- Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do thiếu người nên việc phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do cán bộ thú ý ở địa phương cũng thiếu và yếu về chuyên môn, nhiều xã còn chưa có nhân viên thú y hoặc có thì kiêm nhiệm rất bất cập. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các cấp, ngành chức năng cần tạo điều kiện, bố trí đủ cán bộ có trình độ chuyên môn cho các cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202112/can-tang-cuong-cong-tac-thu-y-8e27472/