Tàu '3 không' cần trợ lực
Là địa phương có số lượng tàu đánh bắt thủy hải sản lớn nhất của tỉnh, nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho đợt thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chỉ đạo cả hệ thống chính trị phối hợp với cơ quan chuyên môn tháo gỡ khó khăn, triển khai cao điểm các biện pháp đồng bộ chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn với loại hình tàu cá '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Nhiều phương tiện hiện gặp khó trong khâu đăng ký, đăng kiểm, đang cần được hỗ trợ.
Thị trấn Sông Ðốc hiện có 1.115 tàu khai thác đánh bắt thủy sản. Trong đó, 76 tàu nhỏ từ 6 đến dưới 12 m; 360 tàu có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m, 624 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m; có 55 tàu trên 24 m. Hiện 100% tàu cá thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã lắp đặt.
Thời gian qua, UBND thị trấn Sông Ðốc phối hợp chặt với các đơn vị thực thi pháp luật trên biển: Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển... chủ động nắm chặt tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khi xuất nhập bến, tàu đang hoạt động trên biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm quy định về VMS.
Qua ghi nhận, hiện trên địa bàn còn gần 50 tàu “3 không”, chưa đăng ký, đăng kiểm lại, vì nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Sông Ðốc, cho biết: “Trên địa bàn thị trấn có nhiều tàu cá “3 không”, qua tuyên truyền, vận động, đã có 9 phương tiện đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm và có giấy phép hoạt động. Số còn lại vẫn nằm ụ vì chưa thể hoàn tất thủ tục. Hiện các gia đình này đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện mưu sinh”.
Như hộ ông Lê Tấn Dũng, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, vì không có điều kiện sắm phương tiện riêng, nên ông Dũng đi quản lý tàu cho anh ruột là ông Lê Tấn Ngoan, ngụ cùng khóm. Do ảnh hưởng của cơn bão Linda (năm 1997), phương tiện của ông Ngoan hư hỏng nặng, được Nhà nước hỗ trợ vay tiền sửa chữa phương tiện, tiếp tục ra khơi đánh bắt.
"Từ khi sửa chữa lại phương tiện, vì sức khỏe của anh không đảm bảo nên tôi đứng ra thay anh quản lý phương tiện. Năm ngoái anh tôi mất, giấy tờ thì đầy đủ nhưng tôi không đăng ký, đăng kiểm được, vì theo quy định, chính chủ mới đủ thẩm quyền để làm thủ tục. Giấy tờ hết hạn, phương tiện nằm ụ mấy tháng nay”, ông Dũng nói.
Hay hộ bà Châu Thị Ðặng, ngụ Khóm 1, cũng chung cảnh ngộ. Vợ chồng bà trước đây không có phương tiện khai thác nên mẹ của bà Ðặng thuê phương tiện của người khác cho vợ chồng bà có cơ sở làm ăn. Lâu dần, chủ phương tiện ngỏ lời bán lại cho mẹ bà Ðặng luôn. Vậy là hai bên thương lượng, rồi bên giao tiền, bên nhận phương tiện, làm ăn cho tới thời điểm hiện tại.
Bà Ðặng bộc bạch: “Trước đây, việc kiểm tra không nghiêm ngặt nên giấy tờ đăng ký dễ, nay theo quy định cần có chính chủ mới đăng ký được. Nhưng người bán đã mất, giấy tờ, thủ tục sang nhượng không có, nên hơn 7 tháng nay phương tiện nằm bờ. Bán đi cũng không được, ra khơi khai thác thì cũng không, phương tiện đậu bờ lâu ngày lại hư hỏng, chúng tôi giờ không biết phải làm sao”.
Những chủ tàu cá “3 không” đa phần thu nhập phụ thuộc chính vào các phương tiện này. Ðể phương tiện nằm ụ thời gian dài, các hộ này rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Dũng trần tình: "Giấy tờ gốc của phương tiện nằm trong ngân hàng mấy chục năm nay rồi. Giờ muốn lấy ra sang nhượng cho người khác thì phải trả phần tiền đã vay gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị hiện tại của phương tiện cũng không tới giá đó. Trước thực trạng này, tôi cũng đã làm đơn yêu cầu gửi ban lãnh đạo ngân hàng chi nhánh Sông Ðốc xin được lấy giấy tờ ra để bán phương tiện trả nợ, bán được bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, chứ để càng lâu, nợ càng đẻ lãi, không thể trả nổi”.
Về vai trò của Hiệp hội Thủy sản Sông Ðốc, ông Thức chia sẻ: “Tôi đã phối hợp với Chi cục Ðăng kiểm để xin hỗ trợ cho người dân, bên Chi cục cũng có xuống, nhưng theo quy định thì cần phải chính chủ mới đăng ký được. Hầu hết các phương tiện sang bán lâu năm, có người không còn ở địa phương, có hộ không liên lạc được, nên đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết: “Có nhiều phương tiện xin được hỗ trợ cho ra khơi khai thác, nhưng quy định đã rõ ràng, biết dân khó nhưng không thể làm sai quy định được”.
“Phía địa phương cũng kiến nghị ngành chức năng xem xét hỗ trợ các chủ phương tiện này, nếu có giấy tờ chứng thực người này đã dùng phương tiện khai thác lâu năm thì có thể cho người chủ hiện tại đứng ra làm giấy tờ đăng ký, đăng kiểm hay không? Chứ nếu nói về câu chuyện cải hoán để vươn xa hơn, thì hiện tại các phương tiện này không đủ điều kiện về kinh tế để nâng cấp, cải hoán”, ông Thức trần tình.
Phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là mục tiêu của tỉnh để cùng với cả nước chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Ổn định đời sống của người dân cũng là vấn đề then chốt và những hộ dân có tàu “3 không” đang cần trợ giúp để sớm được ra khơi khai thác, mưu sinh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tau-3-khong-can-tro-luc-a35661.html