Cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 24/10/2020.
Quản lý chất thải rắn cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sáng ngày 24/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp là vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi...
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Theo đó, tại Điều 76, chất thải rắn được phân chia thành 3 loại: Loại có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Còn lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 9 Điều 80 dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Hà Nội cho biết, tại Điều 80 dự thảo Luật quy định, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau: Phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá; dựa trên lượng chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
“Tôi nghĩ giá này cần dựa vào công nghệ thu gom, cách tổ chức dịch vụ thu gom phương tiện, thời gian thu gom và nên là sự thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, để cho thị trường và cho người sử dụng dịch vụ quyết định giá. Vì thế, nên sửa lại Điều 80 sao cho đúng, hợp lý và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thật hiệu quả trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
Cần thiết quy định kiểm toán môi trường
Tán thành nội dung bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị, cần cân nhắc nội dung tại khoản 3, Điều 52 quy định việc hướng dẫn kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Vì trong Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) thì các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên hay là quy trình tiến hành cuộc kiểm toán… đã được Luật quy định. Vì vậy, để tránh chồng chéo, đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng Bộ tài nguyên và Môi trường cần tập trung những việc hợp lý hơn như: ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình hoặc là đơn giá, định mức thiết kế kỹ thuật để bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó để việc kiểm toán được phù hợp hơn.…
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý. Chẳng hạn như để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.
Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại Điều 9, Điều 13 và Điều 14.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với 20 ý kiến phát biểu, 4 ý kiến tranh luận. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung, đồng thời đề xuất một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.