Cần tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Hiện nay thủy điện nhỏ đang được khuyến khích đầu tư. Ngoài ra trong chủ trương phát triển kinh tế ở các địa phương còn có một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động đang tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái. Do vậy vấn đề đặt ra là cần tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ở tỉnh Quảng Trị ngoài Nhà máy thủy điện Rào Quán có công suất 64 MW, hiện nay tại huyện Đakrông có thêm 5 nhà máy thủy điện được xây dựng dọc 50 km sông Đakrông với tổng công suất là 79 MW. Trong các mục tiêu và định hướng của dự án phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2009-2020 của huyện Đakrông đã ưu tiên phát triển công nghiệp quy mô nhỏ, đặc biệt là khai thác khoáng sản và thủy điện. Trong đó tập trung đầu tư cho 4 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở sông Đakrông (Thủy điện A Cho ở xã Húc Nghì, Ra Lay-Bà Nẵng, Giang Thoan ở xã Hướng Hiệp và Rao Vinh tại xã Triệu Nguyên) để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và tăng ngân sách cho huyện. Ngoài ra ở huyện Đakrông đã cho phép xây dựng một số nhà máy thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may và chế biến gỗ...Vậy nên nếu huyện không có kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý thì chất thải từ các nhà máy này có thể sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường cũng như chất lượng nước và đe dọa đến đa dạng sinh học. Theo đánh giá của Hội Khoa học và Công nghệ từ năm 2007 việc phát triển thủy điện ở địa bàn huyện Đakrông đang tạo ra những thay đổi trên dòng sông và tốc độ dòng chảy, dẫn đến bồi lắng phù sa và xói mòn. Hồ chứa tạo ra lũ lụt, làm thay đổi hệ sinh thái và phá hủy sự đa dạng sinh học. Trong khi đó hiện vẫn chưa có báo cáo đánh giá về tác động của thủy điện đến đa dạng sinh học ở Quảng Trị.
Xung đột lợi ích còn xảy ra giữa khai thác khoáng sản và bảo tồn đa dạng sinh học. Định hướng phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2009-2020 của huyện Đakrông là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản được ưu tiên phát triển. Huyện Đakrông tập trung đầu tư vào khai thác cát, dây chuyền sản xuất cát sỏi trên sông Đakrông (các xã Ba Lòng, Mò Ó). Đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho khai thác vàng ở các xã A Vao, A Bung, Tà Long sử dụng lao động địa phương và tăng ngân sách cho huyện. Tuy nhiên ở một số địa điểm khai thác vàng trên sông Đakrông, các thợ mỏ vàng dựng các lán trại, sử dụng chất nổ và các phương tiện khác để khai thác vàng tạo ra ô nhiễm môi trường, xói mòn đất, ô nhiễm nguồn nước dọc theo sông, suối và gây mất an ninh trật tự trong khu vực.
Trong thời gian gần đây nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức bằng các phương pháp đánh bắt không hợp lý như sử dụng chất độc và thiết bị xung điện. Sự hạn chế trong nhận thức về bảo tồn nguồn lợi và những khó khăn trong đời sống đã tác động lớn tới sự suy thoái về nguồn lợi thủy sản. Chính quyền địa phương và các sở, ngành đã chú trọng tuyên truyền pháp luật khai thác nguồn lợi thủy sản và nâng cao nhận thức trong bảo tồn nguồn lợi thủy sản để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tìm ra các giải pháp tối ưu để dung hòa vấn đề ổn định sinh kế cho người dân và gìn giữ nguồn lợi thủy sản.
Rõ ràng những tác động của việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhỏ, khai thác khoáng sản và các nhà máy chế biến thực phẩm và thủ công mỹ nghệ ở Đakrông đã có gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Người dân ở các địa bàn có công trình, dự án triển khai cũng đã khiếu nại, phản ánh về tình trạng xói mòn, sạt lở đất và cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản. Mặc dù trong mấy năm trở lại đây, huyện Đakrông đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; tổ chức truy quyét nạn khai thác vàng trái phép; nghiêm cấm việc khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng thuốc nổ và xung điện… nên đã hạn chế được mức độ nghiêm trọng về những xung đột trong phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế bao gồm thủy điện, khai thác khoáng sản, hoạt động nông nghiệp, phát triển nhà máy đang đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Do đó giải quyết các tác động tiêu cực của các hoạt động trên với bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề hết sức cấp thiết.
Khai thác khoáng sản có tác động tàn phá môi trường cần được giảm thiểu trong khu vực có tài nguyên thiên nhiên dễ bị tổn thương. Trước hết là cần xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao công tác tuyên truyền. Lực lượng chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản cũng như đánh bắt hải sản bằng biện pháp hủy diệt. Mặt khác cần thành lập quỹ cho hoạt động giám sát vì sẽ mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát và thực hiện các quy định, đây là điều cần thiết trong việc đảm bảo thực hiện và tuân thủ các luật, quy định đối với người dân. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng để cải thiện quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phân cấp trong quản lý và khuyến khích người dân tham gia quản lý bằng việc xây dựng quy định, hương ước trong các thôn bản để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149533