Cần tạo tính bền vững trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Một trong những nội dung trọng tâm của đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị là xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Bằng nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ, trong những năm trở lại đây tỉnh Quảng Trị đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, cây dược liệu… gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mà trong đó các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác là hạt nhân kết nối. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như liên kết với Tập đoàn Đại Nam, Nhà máy sản xuất phân bóng Obi-Ong biển/Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 200 ha/năm; liên kết với Tập đoàn Nafoods Tây Bắc triển khai vùng sản xuất chanh leo xuất khẩu tại Hướng Hóa và các địa phương khác đạt hơn 60 ha; thiết lập chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao với Công ty Giải pháp cà phê Việt (Shin Coffee), Chuỗi cà phê Hội An Roastery với sản lượng 70 tấn tại Hướng Hóa; liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất gạo hữu cơ; Công ty Organics More sản xuất và bao tiêu sản phẩm hồ tiêu hữu cơ với quy mô 60 ha; mô hình liên kết giữa UBND tỉnh, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các HTX, tổ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu dứa xuất khẩu; mô hình liên kết trồng gắn với chế biến cây dược liệu; các mô hình trồng rau, dưa, hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao; mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tổ chức lại sản xuất để trồng lúa trên cánh đồng lớn... Những mô hình này đã tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp được nhiều nông dân, các HTX, tổ hợp tác, người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Ngoài sự liên kết sản xuất lấy HTX làm trung tâm thì hiện nay có nhiều nhóm hộ, hộ nông dân mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Đơn cử như tại huyện Hướng Hóa, cơ sở sản xuất cà phê Ta Lư của chị Nông Thị Hanh, xã Tân Hợp đã đứng ra liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn xã Hướng Phùng đầu tư sản xuất cà phê sạch. Chị Hanh đã liên kết với 60 hộ nông dân với quy mô 1 ha/hộ đầu tư sản xuất theo đúng quy trình cà phê sạch của Hội Cà phê Khe Sanh như không dùng thuốc diệt cỏ, hạn chế dùng phân bón hóa học, chỉ thu hái những quả chín đỏ… để tạo ra sản phẩm cà phê sạch ngay từ khâu thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường với sản lượng khoảng 100 tấn quả tươi/vụ và đầu tư máy móc, thiết bị để rang xay cà phê nhân, cà phê bột cung cấp cho các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng cà phê lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, trên thực tế không phải mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nào cũng mang lại hiệu quả. Bài học đắt giá đã xảy ra trong thương vụ liên kết sản xuất trồng ớt giữa Công ty CP đầu tư Nông lâm nghiệp-XNK Việt Nam với một số HTX ở huyện Vĩnh Linh bị đổ vỡ do hai bên chưa có những thỏa thuận mang tính ràng buộc trong quá trình sản xuất. Đó là chưa nói đến những bất cập trong quá trình thực thi một số điều khoản không như cam kết khiến dự án thất bại gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân. Điều này cho thấy các mối liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân vẫn chưa chặt chẽ như mong muốn, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Đôi khi còn diễn ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá cả, thị trường tiêu thụ, không thanh toán tiền đúng thời hạn. Hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý. Nhưng khó khăn, hạn chế rất dễ nhận ra trong chuỗi liên kết sản xuất là do nguồn lực đầu tư chưa nhiều; sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính mô hình; việc ứng dụng khoa học- công nghệ của người dân còn hạn chế; nhiều sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, số doanh nghiệp tham gia liên kết không nhiều.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, với những tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội hình thành mối liên kết 4 bên giữa tỉnh, doanh nghiệp, ngân hàng và người dân nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT cần nghiên cứu hỗ trợ, xây dựng hệ thống nước tưới, đẩy mạnh cơ giới hóa, cử cán bộ kỹ thuật về hỗ trợ người dân; phối hợp với các ngân hàng để có chính sách vay vốn ưu đãi cho người dân. Các huyện cần khảo sát và quy hoạch lại diện tích để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trước khi triển khai liên kết sản xuất cần tổ chức họp dân để bàn bạc việc tham gia thực hiện mô hình liên kết nhằm tạo được sự đồng thuận giữa các bên, đặc biệt là sự thống nhất trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong phân chia lợi nhuận, từ đó mới tạo ra tính hiệu quả và bền vững trong liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152558