Cần tập trung nguồn lực tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ

Kết cấu giao thông, môi trường và nhà ở đang là 3 vấn đề cốt lõi mà khu vực Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết để phát triển bứt phá. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy và yêu cầu các thành viên trong vùng Đông Nam Bộ tích cực có các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nói trên.

Tập trung xử lý 3 vấn đề lớn

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ yêu cầu, Hội đồng vùng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất.

Trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược và tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng. Một là giải quyết ách tắc giao thông. Hai là bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường sống và môi trường sinh thái. Ba là giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, giải quyết những khu “ổ chuột” trong Thành phố.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên trong Hội đồng vùng tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, đặc biệt đối với quy hoạch TP.HCM, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng cho biết, sẽ cùng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch TP.HCM và quy hoạch vùng để hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kết cấu hạ tầng tạo không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng.

“Quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn và phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế. Đồng thời, phải hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức, yếu kém của vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Hội đồng vùng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Cùng với đó, Hội đồng vùng phải hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đặc biệt là các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Thủ tướng cũng đề nghị, các thành viên Hội đồng vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu các cơ chế, chính sách và có các hoạt động điều phối, liên kết cụ thể trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác.

Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Bộ Tài chính được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023.

Phát triển Cần Giờ lên tầm cao mới

Ngay sau khi chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.

Thủ tướng nhấn mạnh, huyện Cần Giờ có tiềm năng rất lớn, tinh thần là phải đổi mới tư duy, hành động nhanh, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, triển khai các công việc theo hướng "vừa chạy vừa xếp hàng", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nâng sự phát triển của huyện Cần Giờ lên tầm cao mới, thành đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP.HCM và cả vùng Đông Nam bộ.

Liên quan dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng cho rằng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép -Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.

Báo cáo Thủ tướng, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) cho biết, dự án cảng Cần Giờ nằm ở vị trí thuận lợi giao thương thế giới. Dự án được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu cả nước về vận tải biển.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 5,4 tỷ USD, cảng sẽ xây dựng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Từ năm 2024 đến năm 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8 km và 1,9 km.

Theo ông Tuấn, sau khi hình thành, dự kiến cảng Cần Giờ sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại; tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics... Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm.

Sau năm 2030, TP.HCM sẽ làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-tap-trung-nguon-luc-tao-dot-pha-cho-vung-dong-nam-bo-158492.html