Cận Tết, cẩn trọng ngộ độc rượu
Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) vẫn liên tiếp xảy ra khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.
Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu
Thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc ethanol, methanol.
Mới đây ngày 30/12/2024, nam bệnh nhân N.Q.C (28 tuổi, ở Nam Định), có tiền sử viêm dạ dày nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Theo người nhà bệnh nhân, trước 2 ngày vào viện, bệnh nhân uống rượu cùng nhiều đồng nghiệp ở Hà Nội.
Trước đó, ngày 22/12/2024, Bệnh viện Vũng Tàu cũng tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện với nghi ngộ độc rượu methanol và một bệnh nhân trong số này đã hôn mê. Các bệnh nhân dù đã được cấp cứu kịp thời nhưng tình trạng thể chất, tinh thần vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng do uống rượu, trưa ngày 19/12/2024, tại quận Long Biên (Hà Nội), một vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra, khiến hai người tử vong và nhiều người khác phải nhập viện cấp cứu. Trong số 20 bệnh nhân nhập viện, 14 bệnh nhân bị hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc - toan chuyển hóa tăng lactate. Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mà những người tham gia bữa tiệc đã uống.
Các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky.
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị tương đương 1 lon bia 270-330ml từ 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml từ 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị/ngày được coi là lạm dụng rượu. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định trong thực tế không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả đối với sức khỏe nhất định.
Nguyên nhân và dấu hiệu ngộ độc rượu
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn, lạm dụng rượu thời gian dài; hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp) có thể gây hậu quả rất nặng nề, thậm chí tử vong. Trong đó, ngộ độc cồn công nghiệp methanol thường xảy ra khi người dân mua rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc nguồn gốc bị làm giả.
Ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Trường hợp ngộ độc rượu thông thường, ban đầu người uống có cảm giác hưng phấn, kích thích nhẹ, sau đó dấu hiệu ngộ độc nặng lên như triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thậm chí suy hô hấp, hôn mê sâu. Nặng nhất, người bệnh tử vong do không thể thở, tổn thương não. Một số trường hợp do di chứng hôn mê thời gian dài gây hỏng cơ, suy thận, mất nước cũng không thể cứu chữa.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Xử trí kịp thời
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, lạm dụng rượu bia không chỉ nguy cơ ngộ độc mà còn dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như suy giảm chức năng gan, xơ gan, ung thư gan; rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc tiểu đường, xơ vữa mạch máu, từ đó dẫn tới các bệnh tim mạch, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Rượu bia còn kích thích hệ thần kinh, làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy của não bộ, loạn thần.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi thấy người có dấu hiệu ngộ độc rượu, nên nhanh chóng gọi cấp cứu. Trong lúc đó, giữ họ ngồi thẳng, cho uống nước nếu còn tỉnh, che bằng chăn hoặc áo lạnh tránh gió. Trường hợp người ngộ độc bất tỉnh, đặt nằm nghiêng tránh nôn mửa dẫn đến nghẹn. Ngoài ra, không nên cho người ngộ độc tắm nước lạnh dễ làm giảm thân nhiệt, không cho ăn tránh nghẹt thở, và tuyệt đối không cho tự đi lại.
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu, đặc biệt trong dịp lễ tết, mọi người cần chú ý không uống rượu khi bụng đói. Uống khi chưa ăn sẽ khiến cơ thể hấp thụ cồn nhanh chóng, làm tăng nguy cơ ngộ độc, nên uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.
Đặc biệt, cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, tránh bị hạ đường huyết. Đồng thời, cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Chẳng hạn, nếu uống phải rượu methanol, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua. Về hệ thần kinh, lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt. Sau 1-2 ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa, bệnh nhân mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều. Khi đã ngộ độc methanol, bệnh nhân đều có di chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-tet-can-trong-ngo-doc-ruou-10298160.html