Cận Tết, lãi suất huy động đua tăng, lãi suất cho vay sẽ ra sao?

Dịp Tết, nhiều doanh nghiệp chi trả tiền thưởng, kéo theo nhu cầu gửi tiết kiệm tăng. Các ngân hàng ồ ạt nâng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi vay sẽ đắt đỏ hơn.

Gần đây, các chuyên gia nhận định trong năm nay, lãi suất cho vay sẽ khó giảm thêm, các ngân hàng cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay cũng là nỗ lực lớn. Thậm chí, một số công ty phân tích thị trường dự báo lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp diễn

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 12/2024 của Công ty CP chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đạt mức 5,1%/năm, cao hơn 0,2% so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất của các NHTM nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26% so với đầu năm.

Một số tổ chức dự báo mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay sẽ nhích lên nhưng không tăng mạnh.

Một số tổ chức dự báo mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay sẽ nhích lên nhưng không tăng mạnh.

Còn tính từ đầu tháng 1/2025 đến nay, đã có hơn 10 ngân hàng, cả khối NHTM nhà nước lẫn NHTM cổ phần tăng lãi suất huy động. Động thái tăng lãi suất, theo đánh giá của các chuyên gia, là một diễn biến bình thường như thông lệ hàng năm, các ngân hàng thường tăng cường huy động vốn để chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho cả năm, duy trì ổn định hoạt động cho vay. Nhất là năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ hơn so với năm trước, ở mức 16%.

Hiện, mức lãi suất trên 6%/năm đang được nhiều ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài nhưng không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.

Điển hình như: Eximbank áp dụng mức lãi suất 6,5-6,8%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 15-34 tháng; BVBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 12 tháng, 6,2% đối với kỳ hạn 15 tháng và 6,3% đối với kỳ hạn 18-24 tháng; KienLong Bank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 12-24 tháng, 6,3% đối với kỳ hạn 36 tháng và 6,4% cho kỳ hạn 60 tháng.

Hay như IVB áp dụng mức lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, mức 6,05%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6,05% cho kỳ hạn 13 tháng; GPBank áp dụng mức lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng...

Thậm chí, một số ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao, lên đến 7-9,0%/năm. Tuy nhiên, để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt. Chẳng hạn, PVcomBank áp dụng lãi suất lên tới 9%/năm với khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại quầy cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tối thiểu 2.000 tỷđồng.

HDBank cũng có mức lãi suất tiền gửi lên đến 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Điều kiện để được nhận mức lãi suất này, khách hàng có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

Giới phân tích cho rằng các mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung - cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…

Lãi suất cho vay khó duy trì ổn định?

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng đẩy lên cao làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay trở nên "đắt đỏ" trong thời gian tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, trong năm 2025 khó có thể giảm thêm kể cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường. Vì nếu lãi suất huy động giảm, kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, người dân sẽ không mặn mà gửi tiền, ngân hàng sẽ gặp khó về nguồn vốn huy động để cho vay.

Mặt khác, Chính phủ muốn duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Nên nếu ngân hàng tăng lãi suất sẽ khó thúc đẩy cho vay. Hiện tại, NIM của các ngân hàng cũng đang khá mỏng. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đều gặp khó, không đủ sức cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng. “Do đó, lãi suất trong năm 2025 sẽ giữ ổn định”, ông Nghĩa nhận định.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung và dài hạn giữ ổn định trong năm 2025. Lãi suất cho vay được kỳ vọng tăng thêm 0,5 - 0,7% khi nhu cầu tín dụng tăng lên nhờ sự phục hồi kinh tế, đặc biệt khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

VCBS nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát tốt lạm phát. Các yếu tố như chính sách tài khóa, giá nguyên liệu biến động và tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ là những nhân tố chính ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất trong năm 2025.

Chính phủ cũng dự kiến áp dụng các chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất, đặc biệt đối với các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Một chuyên gia khác nhận định khi chi phí vốn tăng, cộng thêm với việc lãi suất cho vay đã tạo đáy, nên nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/can-tet-lai-suat-huy-dong-dua-tang-lai-suat-cho-vay-se-ra-sao-1104769.html