Cận Tết, ngân hàng đua 'hút' tiền gửi
Ngay từ đầu năm mới 2025, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các chính sách huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay. Đáng chú ý, lãi suất huy động của một số nhà băng tiếp tục xu hướng tăng để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Theo thống kê, từ đầu tháng 1/2025 đến nay đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động: Agribank, Bac A Bank, NCB, MBV, Eximbank, KienlongBank (2 lần), VietBank. Tuy nhiên, NCB và Agribank cũng đồng thời giảm lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng. Cùng giảm lãi suất còn có ABBank, SeABank, Nam A Bank, Techcombank (2 lần).
Nhiều người chọn kênh tiết kiệm
Ngày 15/1, KienLongBank trở thành ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng 1, với việc tăng lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân do KienLongBank vừa công bố, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã tăng thêm 0,2%, lên 6,1%/năm. Kỳ hạn từ 12-17 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,3% lên mức 6,1%/năm.
Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đưa KienLongBank trở thành một trong 5 ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn này từ 6%/năm trở lên, cùng với CB, BVBank, GPBank, MSB.
Hiện đã có ít nhất 15 ngân hàng thương mại công bố lãi suất huy động mức 6% hoặc trên 6%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài, từ 18-36 tháng.
Trong đó, có tới 13 ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Kỳ hạn 12 tháng chỉ ghi nhận 4 ngân hàng niêm yết các mức lãi suất này. Lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay theo niêm yết công khai là 6,8%/năm do Eximbank áp dụng với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24-36 tháng.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng cạnh tranh trả lãi tiền gửi từ 7,5%/năm, nhưng để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng điều kiện về số lượng tiền gửi. Như khách hàng của PVcomBank sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt 9,0%/năm khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên; HDBank cũng có lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện là duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng…
Theo ghi nhận, dịp cuối năm, với nhiều khoản lương, thưởng Tết và thu nhập tích lũy trong năm, nhiều người vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm để có mức sinh lời tốt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn còn khó khăn, ảm đạm.
Chị Nguyễn Bích Phương - trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội, chia sẻ: Năm qua, công ty kinh doanh khởi sắc hơn nên lương thưởng cuối năm của nhân viên tăng gấp đôi so với năm ngoái, cùng với việc kinh doanh của gia đình cũng thuận lợi. Vì vậy, gia đình chị để ra được khoản tiền nhàn rỗi khoảng 3 tỷ đồng.
“Tôi chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, với mức lãi suất trên 5%/năm vì chưa biết đầu tư gì. Nếu mua bất động sản tại khu vực Hà Nội thì số tiền này chưa đủ, đầu tư chứng khoán hay trái phiếu thì tôi không có kinh nghiệm, rủi ro cao. Mua vàng trong thời điểm này giá cao, khó sinh lời. Vì vậy, tôi chọn gửi tiết kiệm vẫn an toàn hơn và lãi suất cũng đã tăng đáng kể so với vài tháng trước", chị Phương nói.
Cầu vốn tăng cao, ngân hàng phải đảm bảo thanh khoản
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 1/2025 của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy khi chạm đáy vào tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4 đến nay.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối nghiên cứu MBS, việc tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2024, lãi suất huy động tăng bình quân khoảng 0,71%, còn lãi suất cho vay giảm khoảng 0,59%.
Trong năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16%. Ngay từ những ngày đầu năm, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng ưu tiên.
Điển hình, Agribank dành hơn 210.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề như SMEs, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI...
Ngoài tín dụng lĩnh vực ưu tiên, ngay từ đầu năm 2025, NHNN có công văn đề nghị 9 ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng (gốc là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng).
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng trong năm 2025 sẽ cải thiện. Trong quý đầu năm, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước vì tất cả các cơ quan, ban ngành đã tập trung tháo gỡ các khó khăn cho thị trường, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay cả với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều đang ở mức thấp, nên nhu cầu vay tiêu dùng được kỳ vọng tăng mạnh trở lại.
“Các ngân hàng cũng sẵn sàng cho việc đẩy mạnh hoạt động cho vay khi kinh tế hồi phục, kể cả với tín dụng bất động sản và tiêu dùng. Chưa kể, với nền tăng trưởng tín dụng của năm 2024 ở mức tương đối cao và mục tiêu đưa ra năm nay cao hơn năm trước, nên dư địa cho vay là rất lớn”, ông Hải nói.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách hút vốn giúp bảo đảm thanh khoản và đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lãi suất huy động và cho vay có thể tăng nhẹ, chủ yếu do tác động của nhu cầu vốn tăng cao. Do đó, lãi suất huy động sẽ tăng từ 0,5 - 1 điểm %.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/can-tet-ngan-hang-dua-hut-tien-gui-1104664.html