Cận Tết Nguyên đán, chủ cơ sở bánh chưng bán nghìn chiếc mỗi ngày
Người dân có thể cắt giảm chi tiêu với nhiều mặt hàng nhưng riêng bánh chưng, hầu như gia đình nào cũng phải có để thưởng thức, thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết. Đó cũng là lý do nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng làm ngày làm đêm vào mùa Tết Nguyên đán.
“Bánh chưng ở giếng nước thần, thơm ngon mùi vị có phần trời cho”, đó là những câu giới thiệu của chị Nguyễn Hồng Vĩnh, chủ cơ sở sản xuất Vĩnh Thịnh, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên).
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cơ sở sản xuất Vĩnh Thịnh thuê thêm nhân công, gói ngày gói đêm với công suất 1.000 – 2.000 chiếc/ngày. Bánh các loại dao động trong khoảng giá từ 50.000 – 100.000 đồng/chiếc.
Chị Vĩnh cho biết, bánh chưng Bờ Đậu đang được tiêu thụ ở các thị trường như Hà Nội (chiếm khoảng 50%) và các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Tuyên Quang… Bánh chưng Bờ Đậu có từ thời xưa, được sử dụng từ nước lấy trên núi. Hạt gạo, đỗ, thịt, lá dong tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn.
Với hương vị đặc biệt, mỗi năm, cơ sở này còn cung cấp bánh cho người Việt đem ra nước ngoài làm quà tặng, quà biếu. “Doanh thu ngày Tết cao khoảng gấp đôi so với ngày thường”, chị Vĩnh chia sẻ.
Thực tế, dù kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, song mặt hàng bánh chưng vẫn được tiêu thụ tốt. Một phần do cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã không trực tiếp gói mà chuyển sang mua về thờ cúng và thưởng thức; cũng như nhu cầu làm quà tặng, quà biếu tăng cao. Vì vậy, một số cơ sở gói bánh chưng có tiếng vẫn ăn nên làm ra.
Anh Đặng Văn Đoàn, làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết cơ sở của gia đình anh gói bánh chưng từ 7 giờ sáng tới 20 giờ đêm, với hơn 10 nhân công tham gia. Mỗi ngày, gia đình anh cung cấp khoảng 2.000 chiếc bánh cho các siêu thị phía Bắc.
Đặc biệt, nếu trước đây, muốn làm được 2.000 bánh mỗi ngày, gia đình anh phải thuê khoảng 30 lao động. Hiện nay, chỉ cần 10 nhân công đã làm đủ số lượng bánh theo yêu cầu của khách hàng. Có được điều này nhờ cơ sở của anh ứng dụng tự động hóa trong nhiều khâu giúp tiết giảm rất nhiều sức người.
"Trước đây, tôi cần đến vài nhân công xếp bánh. Bánh được nấu bằng củi hàng chục giờ đồng hồ. Sau đó cũng phải bố trí vài người vớt bánh, một khâu khá vất vả, nguy hiểm. Giờ thì chỉ cần một xe cẩu và 4 nồi hơi, xưởng đã cắt giảm rất nhiều sức người", anh Đoàn nói.