Đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm người dân hối hả bận rộn với công việc cuối năm, sắm Tết…
Tuy nhiên, dù bận đến mấy, người dân vẫn dành thời gian đến mộ phần người thân để tảo mộ cuối năm.
Chùm ảnh ghi nhận của phóng viên:
Cận Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình đi tảo mộ, để tưởng nhớ đến những người đã khuất.
Đây cũng là mời gia tiên về đón Tết cùng con cháu, phù hộ cho gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn trong năm mới.
Bà Hà Thị Chiến (71 tuổi) ở phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, Long Biên, TP Hà Nội, nhưng mộ phần 4 người thân lại đặt tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Hòa Bình). Vì lộ trình từ Long Biên đến khu mộ phần gần 100km nên để có mặt tại mộ phần vào buổi sáng, gia đình bà Chiến phải xuất phát khi trời vừa sáng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Chiến cho biết, để chuẩn bị cho gia đình xuất phát từ sáng tinh mơ, bà Chiến đã sắm lễ từ ngày chiều tối ngày trước đó. “Mỗi năm, đại gia đình tôi sẽ lên mộ phần người thân khoảng 4 lần vào ngày cuối năm và các ngày giỗ. Năm nay, các con cháu ở Hà Tĩnh vượt đường xa ra Hà Nội nên khi đủ đầy hơn thì chúng tôi sắp xếp thời gian, công việc luôn để lên viếng mộ”, bà Chiến cho hay.
Là người lớn tuổi nhất gia đình nên bà Chiến mong muốn, hoạt động thăm viếng mộ, chăm sóc mộ phần ngày cuối năm nhằm tạo nếp cho con cháu luôn hướng về gia đình, cội nguồn dù bận “trăm công ngàn việc”.
Gia đình bà Phạm Thu Hiền (57 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) cũng “tay xách nách mang” lễ lạt đến mộ phần từ rất sớm.
Vì quãng đường di chuyển rất xa nên gia đình bà Hiền cũng sắm lễ, mua cây cảnh từ những ngày trước đó.
Bà Hiền bày tỏ: “Giới trẻ bây giờ rất bận rộn nhưng không vì thế mà cuốn theo công việc. Là người lớn, từ hơn 1 tuần nay, tôi yêu cầu mọi người sắp xếp công việc, cùng nhau dành 1 ngày đến nghĩa trang tảo mộ, “mời” người thân trở về đón Tết cùng gia đình”.
Theo bà Hiền, việc tảo mộ cũng là tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần đối với người thân đã khuất. Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của chúng ta.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), Đại đức Thích Trí Thịnh - Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình) cho biết: "Việc tảo mộ cũng là tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần đối với người thân đã khuất".
"Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của chúng ta. Khi tảo mộ, gia đình về nơi phần mộ an táng của người thân, dòng tộc để dọn dẹp sửa sang lại mộ phần, quét dọn, sơn sửa lại. Đây cũng là việc làm để nghi thức nghi lễ, tạ ơn thổ thần và các vị thần cai quản che trở cho các chân linh yên nghỉ tại khu đất đó", Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.
Diễn biến giá đất nền tại Đông Anh, Hà Nội những ngày đầu năm 2025
Bảo Loan