Ngôi mộ song táng và tình yêu vĩnh cửu của vị vua Nguyễn
Hình ảnh ngôi mộ song táng trong Lăng Thiên Thọ như 'ghi vàng tạc đá' tình yêu vĩnh cửu của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan - người vợ đã vào sinh ra tử cùng ông.
Cách Kinh thành Huế gần 20 km về hướng Tây, ở làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là Lăng Thiên Thọ - khu lăng tẩm của vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn.
Trong không gian mang vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, nơi bậc đế vương khát khao giấc mộng thiên thu, chúng ta bắt gặp hình ảnh của ngôi mộ song táng càn khôn hiệp đức (đất trời hòa hợp, biểu tượng của hạnh phúc và thủy chung vĩnh cửu) của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Ngôi mộ song táng "càn khôn hiệp đức"
Theo tác giả Bửu Kế (sách Chuyện Triều Nguyễn) hai ngôi mộ này cùng một khuôn khổ, cùng một hình thức xây với gạch cao lối bảy tấc, trên lợp hai mái bằng thứ ngói tráng men trông như hai túp lều nhỏ đứng sát vào nhau, trước mặt là một bức bình phong lớn, đơn giản không mảy may tô điểm.
Theo bài Lăng Gia Long của chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Húe) Léopold Cadìere (được tác giả Bửu Kế dẫn lại trong sách) thì trước kia mỗi nấm mộ có xây một bệ thờ bằng đá cẩm thạch, nhưng hiện không ai thấy bệ thờ ấy đâu nữa. Bao quanh hai ngôi mộ này một bức tường cao 3 thước 16, một bề 24 thước, hình vòng cung bao quanh, trước mặt trổ cửa. Bên ngoài một bức tường thứ hai dày hơn, cao hơn, cách lớp tường trong chừng ba thước và trước có hai cánh cửa đồng khóa kín lại.
Thành quách của khu tẩm mộ này xây trên một ngọn đồi gọi tên là Chánh Trung, bên ngoài còn một lớp thành hình móng ngựa chu vi ước tính khoảng 120 thước. Hai nấm mộ lộ thiên nằm song song, cái nằm bên tả chôn vua Gia Long, còn cái bên hữu chôn Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Bên cạnh hai ngôi mộ song táng, khu Lăng Thiên Thọ còn có Điện Minh Thành dùng để thờ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Điện xây trên núi Bạch, một trong mười bốn ngọn núi chầu ở bên hữu lăng. Điện gồm hai nhà làm kiểu trùng thiềm (hai mái). Nhà chính dề dài hơn 22 thước, rộng 14 thước. Ngôi kia cũng cùng chiều dài nhưng bề rộng chỉ có 7 thước.
Điện được xây dựng vào năm Gia Long thứ 14 (1814). Gian giữa điện là nơi tôn tri khám thờ sơn son thếp vàng, giữa đặt thần chủ của vua Gia Long và hoàng hậu, bên ngoài phủ một bức màn gấm bát tơ vàng.
Người vợ đồng cam cộng khổ của vua Gia Long
Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan là chính thất của vua Gia Long. Chính sử Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đều ca ngợi đức hạnh của bà.
Bà là con gái của Ngoại tả Chưởng dinh Tống Phước Khuông. Năm 18 tuổi, bà được vua Gia Long đến hỏi cưới và lập làm nguyên phi. Từ đó, bà đồng cam cộng khổ, giúp vua Gia Long dựng lại nghiệp lớn. Trong những năm vua Gia Long bôn tẩu, bà thay vua tỏ lòng hiếu thuận, chăm sóc mẫu thân, phụng bề trên, chăm kẻ dưới, tự tay dệt vải cho quân lính.
Chính sử Đại Nam thực lục chép, năm 1783 khi Tây Sơn đánh Gia Định. Trong tình thế cô lập, vua Gia Long đã giao Hoàng tử Cảnh cho Giáo sĩ Bá Đa Lộc làm con tin, đưa thân quyến ra đảo Côn Lôn lánh nạn. Khi chia tay, vua đã chặt đôi nén vàng đưa bà một nửa và nói: “Phi hãy phụng dưỡng Quốc mẫu, chưa biết sau này gặp ở nơi nào và ngày nào, hãy giữ một nửa thoi vàng này làm tin”. Từ đó bà luôn mang tín vật đó bên mình.
Sau khi thống nhất “Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết”.
Năm 1788, vua Gia Long lấy được Gia Định, cho người ra Côn Lôn đón bà và gia quyến. Từ đó, bà luôn theo vua. Thậm chí, trong một trận giao chiến với quân Tây Sơn ở trấn Biên Hòa (lúc đó vua Gia Long đang giải vây ở Quy Nhơn), khi thấy quân binh nao núng bà liền đánh trống thúc quân khiến binh sĩ hăng hái tiến lên mà giành thắng lợi.
Hơn 20 năm kết duyên, bà đã cùng vua vào sinh ra tử, gian nan hoạn nạn cùng nhau. Cảm động trước tình cảm đó, trong sách phong lập bà làm Hoàng hậu, vua Gia Long viết: “Ngày trước bôn ba, trẫm khó nhọc ở ngoài, hậu siêng năng ở trong, giúp nhau trong lúc gian nan, trải qua chỗ bằng chỗ hiểm. Cầu cúng hết kính, ngon ngọt thảo hiền, ơn cho con cháu, trạch đến quân nhung”.
Khi đặt thụy hiệu cho bà, nhà vua khắc ghi tình nghĩa vợ chồng trong buổi gian nan, nhắc lại mối tình “Duyên trời kết hợp, cùng trẫm tu tề. Trong khi mây sấm tối tăm, gặp gió bụi hết lòng chống đỡ; giữa buổi biển trời khó nhọc, đã vì ta ra sức lo toan. Đất khách lạnh lùng, lòng vui hầu mẹ; ngày đêm không ngại, cố sức giúp ta”.
Tình yêu và sự gắn bó của bà trong buổi đầu gian nan dựng nghiệp đã chạm tới tấm chân tình của bậc đế vương. Vì vậy, sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, lúc sống trên yên ngựa, khi đằm mình nơi chiến trận, đến khi có được cả giang san nhưng vua Gia Long vẫn muốn trọn đời, muôn kiếp ở bên người vợ thảo hiền.
Khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu băng (1814), vua Gia Long mô phỏng theo lễ hợp lăng của người xưa mà xây dựng lăng phần: “Mặt trước rộng 150 trượng, 3 mặt tả hữu hậu đều rộng 100 trượng. Bốn mặt thành chính đều dài hơn 10 trượng. Chỗ chính huyệt đặt 2 cái quách đá”.
Ngôi mộ song táng như một lời khẳng định về tình yêu vĩnh cửu “sinh đồng sàng đồng kỉ, thác đồng quan đồng quách”. Ngôi mộ dựng bằng đá tuy giản dị nhưng kiên cố như chính tình yêu mộc mạc, chân thành nhưng thủy chung, hạnh phúc của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.