Cận Tết nhưng các vườn đào vẫn vắng bóng người mua

Chỉ khoảng nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, mọi năm vào thời điểm này, các vùng trồng đào truyền thống của tỉnh như Đông Sơn (Tam Điệp), Gia Lâm (Nho Quan), Hồi Ninh (Kim Sơn) đã rất nhộn nhịp nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không khí khá trầm lắng. Nhiều nhà vườn cho biết, hiện tại thương lái đang dè dặt chưa quyết định kinh doanh vụ hoa Tết này hay không, nên hàng trăm, hàng nghìn gốc đào dù đã chúm chím nụ vẫn nằm im trong vườn.

Các nhà vườn ở Đông Sơn lo lắng vì năm nay đào kém hoa.

Các nhà vườn ở Đông Sơn lo lắng vì năm nay đào kém hoa.

Chị Quách Thị Thúy (xóm 5, Gia Lâm, Nho Quan) buồn xo bên vườn đào đang chúm chím nụ. Chị cho biết: Mọi năm, thời điểm này, xe bốc cây nườm nượp, chật đường, có vườn đã bán hết rồi. Nhưng năm nay chẳng thấy bóng thương lái nào. Vườn nhà chị 300 gốc đào vẫn nằm im lìm.

Theo những người trồng đào ở Gia Lâm, vài năm trở lại đây, nhờ chịu khó học hỏi, nên trình độ thâm canh, điều khiển đào ra hoa của bà con tốt hơn. Nhiều nhà đầu tư hệ thống tưới tự động, thực hiện kỹ thuật ghép, cắt tỉa, tạo dáng, thế nên chất lượng đào cảnh ngày một nâng lên. Đặc biệt, năm nay, đào được đánh giá đẹp hơn mọi năm, nhiều hoa và sẽ nở vào chính Tết. Tuy vậy, Tết đã cận kề, mà vẫn vắng bóng thương lái khiến các chủ đào không khỏi thấp thỏm, lo âu.

Ở Gia Lâm, Nho Quan thì vậy, còn tại thủ phủ đào phai xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, ngoài việc vắng bóng thương lái, người trồng đào nơi đây còn đối mặt với nỗi lo khác đó là đào kém hoa. "Không hiểu do thời tiết hay chăm sóc làm sao mà đến thời điểm này, hầu hết các vườn đào trong vùng đều kém hoa. Nhiều cây chưa thấy hoa đâu, cây nào có nụ, có hoa thì cũng thưa thớt, không rộ như mọi năm", ông Ninh Tiến Dũng, một chủ vườn đào tại thôn 5 (Đông Sơn) cho biết.

Người trồng đào ở Gia Lâm, Nho Quan chăm chút cho từng cây đào, mong muốn mang những thành phẩm đẹp nhất đến với người tiêu dùng.

Cũng theo ông Dũng, năm ngoái, với 5 sào trồng đào, ông bán được hơn 100 gốc, thu lãi gần 50 triệu đồng. Còn năm nay, người trồng đào như ông vẫn đang trông chờ thời tiết biến chuyển, có thể xuất hiện 1-2 trận mưa rào, cung cấp thêm độ ẩm giúp đào bật nụ, ra hoa, vớt lại phần nào thu nhập, chứ tình hình như hiện nay nhiều nhà sẽ thất thu.

Chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Toản một người làm vườn có tiếng trong nghề làm đào, chơi đào thế ở Đông Sơn. Anh Toản chia sẻ: Năm nay, tìm được vườn đào đẹp ở vùng này hiếm lắm. Nguyên nhân, một là do thời tiết, hai là do bà con chủ quan, lơ là. Mọi năm, không tuốt lá, để tự nhiên, cây vẫn ra hoa bình thường nên năm nay không xử lý nữa. Đào chưa có hoa nên thương lái cũng chưa đến mua. Riêng gia đình anh, do đã có kinh nghiệm chăm sóc nên các cây đào vẫn cho hoa ổn định.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn chung về kinh tế bởi tác động của dịch bệnh COVID-19, năm nay anh đã chủ động giảm giá xuống khoảng 10% so với mọi năm. Trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/1 cây đào thế, cây đẹp, lâu năm thì vào khoảng 7-8 triệu đồng/cây. Dẫu vậy, số lượng khách mua còn cầm chừng, thương lái ngoại tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh cũng chưa thấy về.

Đối với người trồng đào, 1 năm chỉ trông chờ vào duy nhất một vụ Tết, tình hình tiêu thụ trầm lắng như hiện nay khiến tâm lý chung của các nhà vườn đều khá lo lắng. Nhưng với việc các chợ hoa Xuân vẫn được hoạt động bình thường, hy vọng mọi chuyện sẽ "xoay chuyển" vào phút chót, bà con bán được đào để bù lại chi phí vật tư phân bón, công sức chăm sóc, cũng như có tiền mua sắm, chăm lo cho một cái Tết đủ đầy.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/can-tet-nhung-cac-vuon-dao-van-vang-bong-nguoi-mua/d20220114143811271.htm