Lao động tự do: Cần sự quan tâm từ nhiều phía
Lao động tự do là những người làm phụ hồ, bốc vác, trồng trọt, chăn nuôi... để mưu sinh. Hầu hết họ không có hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội và không được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động nên thường thiệt thòi khi xảy ra rủi ro, bất trắc.
Hơn 6 năm qua, anh Siu Kin (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) sống cùng với đôi nạng gỗ, bao ước mơ đều khép lại. Anh Kin buồn rầu kể: “Tháng 6-2018, khi tôi đang vận hành máy chế biến mủ cao su cho 1 công ty ở tỉnh Bình Dương thì bất ngờ dây chuyền bị gãy văng mảnh sắt vào đùi, làm đứt lìa xương. Sau đó, tôi được đưa đi cấp cứu và bị cưa đi một chân. Nơi tôi làm là doanh nghiệp gia đình nên tôi chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Khi xảy ra tai nạn lao động, Công ty chỉ hỗ trợ một phần chi phí, còn lại tôi phải tự lo liệu. Từ đấy, tôi trở thành gánh nặng cho người thân”.
Anh Nguyễn Văn Mức (làng O Ngol, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) làm nghề bốc vác, xây dựng với mức thu nhập 300-400 ngàn đồng/ngày. Vì là lao động tự do nên anh không tham gia loại hình bảo hiểm nào. Những ngày lễ, Tết, anh cũng không được nhận quà, tiền thưởng như các lao động chính thức khác.
Còn chị Nguyễn Thị Nhung (thôn 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) thì cho hay: Chị làm phụ hồ cho một đội xây dựng trên địa bàn TP. Pleiku. Mỗi ngày, công việc đem lại cho chị thu nhập hơn 200 ngàn đồng.
“Phụ nữ làm công việc phụ hồ vất vả lắm. Chế độ đãi ngộ thường chỉ phụ thuộc vào việc chủ có trả tiền cao hơn hay hỗ trợ tiền cơm trưa, xăng xe… Những người lao động tự do như tôi đâu dám nghĩ đến chuyện được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động”-chị Nhung chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh-thông tin: Hiện nay, đối tượng lao động tự do chiếm tỷ lệ khá lớn. Phần lớn họ phải làm việc với cường độ cao, môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về vệ sinh, an toàn lao động.
Mặt khác, đa số lao động tự do không được ký kết hợp đồng lao động nên chịu nhiều thiệt thòi như: không được hưởng chế độ thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, độc hại, bảo hộ lao động, chưa được huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ, nâng cao tay nghề…
Không những thiệt thòi về quyền lợi, lao động tự do còn đối diện với nhiều khó khăn khác như: sớm mất sức lao động; bị buộc thôi việc vì đa phần chủ doanh nghiệp, cơ sở chỉ thuê người trẻ, có sức khỏe; hoặc nếu có việc làm thì lao động tự do cũng được trả công với mức lương thấp.
Nếu không may xảy ra tai nạn lao động hoặc những rủi ro thì chủ sử dụng lao động thường lảng tránh, không chịu trách nhiệm. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức Công đoàn cũng khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động trong những trường hợp này. Bởi lao động tự do không ký hợp đồng hoặc chỉ ký kết hợp đồng dưới 3 tháng với doanh nghiệp sử dụng lao động, vì vậy, họ không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Thời gian tới, Sở phối hợp với ngành chức năng tham mưu xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi, tạo điều kiện để lao động tự do tham gia các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giúp lao động tự do nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, lao động tự do cũng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động… để được hưởng các quyền lợi chính đáng.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lao-dong-tu-do-can-su-quan-tam-tu-nhieu-phia-post283465.html