Cận Tết, sinh viên vẫn miệt mài làm thêm, song cảnh giác không thừa

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, nhiều bạn trẻ tại TP. HCM vẫn đang miệt mài trải nghiệm công việc làm thêm thời vụ để có thu nhập và trau dồi kỹ năng cọ xát thực tế.

Ngay từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhiều bạn trẻ sắp xếp thời gian phù hợp để nhận công việc làm thời vụ. Minh Tâm (sinh năm 2002, trường ĐH Công nghệ TP. HCM) tìm được việc làm tương đối phù hợp với bản thân và chủ động thời gian làm theo ca tại cửa hàng phục vụ thức ăn nhanh. Công việc của Tâm là tư vấn thực đơn, lấy đồ ăn cho khách hàng và dọn dẹp khu vực cửa hàng. Với ngần ấy công việc, Tâm nhận được thù lao dao động khoảng 35.000 đồng/giờ. Thời điểm trong Tết, mức thu nhập có thể gần 800.000 đồng/một ngày.

Do đặc thù công việc bán thời gian nên Tâm có thể thương lượng với cửa hàng để linh hoạt xếp ca làm việc trong ngày, phân bố thời gian để vừa làm, vừa học và nghỉ ngơi.

Do đặc thù công việc bán thời gian nên Tâm có thể thương lượng với cửa hàng để linh hoạt xếp ca làm việc trong ngày, phân bố thời gian để vừa làm, vừa học và nghỉ ngơi.

Chàng trai 2K2 cho biết: “Việc làm thêm giúp mình tự tin giao tiếp với khách hàng, phối hợp làm việc ăn ý với các bạn nhân viên. Năm nay, mình tận dụng thời gian nghỉ Tết sớm ở trường để ở lại thành phố làm công việc bán thời gian, thay vì ở nhà. Trước đó, mình cũng đã tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và lựa chọn cửa hàng thức ăn nhanh có thương hiệu uy tín ở Việt Nam để ứng tuyển việc làm thời vụ Tết, tránh sập bẫy 'việc nhẹ lương cao'. Mình dự định sẽ làm việc đến hết hôm nay, 29 Tết Âm lịch, sau đó về quê đón Tết cùng gia đình”.

Những ngày cận Tết, Mã Thị Nguyệt (sinh năm 2004, năm thứ ba, CĐ FPT Polytechnic TP. HCM) xin làm nhân viên pha chế tại quán trà sữa để tăng thêm nguồn thu nhập, phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống và khoản tiền học phí. Mỗi tuần, Nguyệt sẽ sắp xếp làm việc 4 - 5 ngày, mỗi ca dao động 4 - 5 tiếng.

Mã Thị Nguyệt (thứ ba, từ trái sang) cùng các bạn nhân viên tại cửa hàng trà sữa.

Mã Thị Nguyệt (thứ ba, từ trái sang) cùng các bạn nhân viên tại cửa hàng trà sữa.

Nguyệt kể: “Công việc cũng không quá vất vả, cũng không áp lực nhiều. Mỗi tháng, mình sẽ nhận được 3 triệu đồng. Theo thỏa thuận với chủ cửa hàng, những ngày cận và trong Tết, lương của mình sẽ cao gấp ba lần. Việc làm thêm giúp mình có được nhiều trải nghiệm. Tết năm nay, điều hạnh phúc là mình đã tự kiếm được thu nhập để chi tiêu cá nhân và mua quà Tết gửi biếu bố mẹ".

Trong dịp cận Tết này, Lưu Quang Phước (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) cũng tất bật làm thêm. Công việc của Phước là làm shipper, giao - nhận các đơn hàng. “Thời gian này, mọi người mua sắm hàng hóa Tết nhiều nên lượng đơn đổ về các shop tăng, công việc khá bận rộn. Đường sá đông đúc xe cộ khiến việc di chuyển có đôi chút khó khăn. Do làm thêm vào thời gian rảnh rỗi nên mình cân bằng được việc học ở trường. Mục đích đi làm là mình muốn kiếm thêm thu nhập để mua những gì bản thân thích. Mình làm thời vụ đến 28 tháng Chạp, sau đó sum vầy ăn Tết với gia đình”, Phước cho biết.

Sức khỏe, vui vẻ, thành công là ba từ khóa mà Quang Phước mong ước trong năm 2024.

Sức khỏe, vui vẻ, thành công là ba từ khóa mà Quang Phước mong ước trong năm 2024.

Công việc thời vụ mùa Tết không yêu cầu bằng cấp, tay nghề cao mà chỉ cần người lao động tháo vát, có trách nhiệm với công việc, đáp ứng được những yêu cầu và thỏa thuận mà người tuyển dụng đưa ra. Vì vậy, đây được đánh giá là cơ hội cho sinh viên có thời gian rảnh và muốn kiếm thêm thu nhập để đón Tết.

Lư Vân Thanh (sinh năm 2004, trường ĐH Văn hiến) cũng đang tận dụng thời gian sau giờ học để làm công việc mùa vụ Tết. “Đi làm thêm dịp Tết, dù không đúng ngành học nhưng là lợi thế cho sinh viên như mình được trải nghiệm thực tiễn, lại có thu nhập cao, trang bị thêm kỹ năng sống và có tiền mua đồ dùng học, đóng học phí…”, Thanh nói.

Vân Thanh cảm thấy công việc thời vụ Tết giúp cô có thêm kỹ năng quản lý thời gian, tự tin hơn trong giao tiếp.

Vân Thanh cảm thấy công việc thời vụ Tết giúp cô có thêm kỹ năng quản lý thời gian, tự tin hơn trong giao tiếp.

Cũng theo Vân Thanh, cô là người ở thành phố nên thuận lợi hơn các bạn xa quê, có thể đi làm một ca, khoảng thời gian còn lại trong ngày thì đi chơi cùng gia đình, bạn bè. Công việc không quá nặng nhọc, nửa ngày làm, nửa ngày đi chơi Xuân cũng rất thoải mái.

 Lư Vân Thanh đang làm thêm thời vụ mùa Tết, với công việc pha chế trà sữa.

Lư Vân Thanh đang làm thêm thời vụ mùa Tết, với công việc pha chế trà sữa.

Từ việc chủ động tìm thông tin việc làm thêm mùa vụ Tết, nhiều bạn chia sẻ, hiện nay, mạng xã hội có rất nhiều thông tin tuyển dụng được đăng tải, thu hút sự quan tâm của sinh viên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng lòng tin, nắm bắt tâm lý muốn kiếm tiền của người trẻ để thực hiện các hành vi lừa đảo, dụ dỗ vào các hoạt động bất chính nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, khi tìm hiểu công việc làm thêm, các bạn sinh viên cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trường hợp bị lừa đào, trục lợi, nhất là những bẫy 'việc nhẹ lương cao'...

Bên cạnh đó, cần chú ý theo dõi thông tin tuyên truyền, tư vấn sinh viên tìm việc làm thêm mùa Tết tại các trung tâm uy tín như: Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố, Trung tâm Giới thiệu việc làm tại các quận/ huyện...

Bình Nguyễn - Thuận Tùng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/can-tet-sinh-vien-van-miet-mai-lam-them-song-canh-giac-khong-thua-post1609813.tpo