Cẩn thận khi gửi tài sản để về quê ăn Tết

Vì nhu cầu về quê ăn Tết nên nhiều người ở trọ có tài sản, vật dụng sinh hoạt không tiện mang theo (như: xe máy, tivi, máy tính, tủ lạnh...). Do đó, không ít người lựa chọn phương án để lại nơi ở trọ và chấp nhận trả tiền thuê như khi đang ở. Tuy nhiên, cũng có người trả phòng trọ và đem đồ đạc gửi hoặc cầm, dẫn đến nguy cơ gặp không ít rắc rối phát sinh.

Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh tư vấn cho người dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) pháp luật về dân sự. Ảnh: Đ.Phú

Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh tư vấn cho người dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) pháp luật về dân sự. Ảnh: Đ.Phú

Rắc rối phát sinh

Chị P.T.N. (quê tỉnh Ninh Thuận, tạm trú tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) được người quen chỉ cách gửi đồ đạc cho bạn bè thân, chủ nhà trọ, hoặc đem ra các tiệm cầm đồ để cầm khi về quê nghỉ lễ dài ngày để không lo bị mất trộm tài sản. Vậy là đợt về quê ăn Tết này, chị làm theo.

Trước ngày lên xe về quê, chị trả phòng trọ, đem xe máy và đồ dùng gửi cho một người cùng nơi thuê trọ với giá 500 ngàn đồng. Hai bên thỏa thuận, qua Tết, chị quay lại thì người này trả lại đồ đã nhận giữ. Nào ngờ, về quê được vài ngày, chủ nhà trọ báo tin, người giữ đồ của chị đã đi nơi khác ở và bỏ lại đồ đạc của chị cùng 2 tháng tiền nhà còn nợ của chủ nhà trọ.

“Chủ nhà trọ nói với tôi nếu tôi trả thay cho người đó 2 tháng tiền thuê nhà còn nợ thì chủ nhà trọ mới trả lại đồ đạc cho tôi. Hoặc tiền giữ đồ được bà tính vào số ngày thuê trọ cho đến khi nhận lại. Nếu tôi không đồng ý thì cứ quay lại chuyển đồ đạc đi, để bà dọn dẹp phòng cho người khác thuê” - chị P.T.N. bày tỏ.

“Pháp luật cho phép người cầm giữ tài sản chỉ cầm giữ tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người đem tài sản đi gửi, cầm cố, hoặc được ủy quyền hợp pháp từ người khác. Mọi giao dịch gửi giữ, cầm giữ tài sản mà tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, sử dụng hoặc ủy quyền hợp pháp đều vô hiệu” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý.

Trước tình cảnh này, chị P.T.N. đành chấp nhận phương án gửi đồ ngày nào thì được tính vào tiền thuê phòng trọ trong tháng đó, đồng thời, đồ đạc hư hỏng, mất mát chủ nhà không chịu trách nhiệm. Tuy vậy, chị thắc mắc về cách xử sự của người mà chị gửi đồ và chủ nhà trọ như vậy có đúng không?

Hay như anh L.V.N. (sinh viên, ở trọ tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) đề xuất với các bạn, đem xe máy đi cầm với giá chỉ 1-2 triệu đồng, rồi trả phòng trọ, xách va li về quê ăn Tết cho gọn nhẹ. Như vậy, phí dịch vụ cầm đồ chỉ 500-800 ngàn đồng/tháng, lại vừa an toàn.

Theo chủ nhà trọ P.V.B. (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa), do hiểu và thông cảm nhu cầu gửi đồ đạc khi về quê ăn Tết của người thuê trọ, nhất là việc họ chọn phương án trả phòng chỉ gửi đồ nên ông cũng sẵn sàng nhận. Tuy vậy, ông muốn biết, khi đồ đạc họ gửi bị hư hỏng, mất mát thì giải quyết ra sao?

Trách nhiệm của người cầm giữ tài sản của người khác

Luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn, trường hợp của chị P.T.N., do người nhận giữ tài sản mà chị gửi giữ vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên nếu tài sản của chị bị mất, hư hỏng, thất lạc thì người này phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, do người này bỏ đi nơi khác, ngay cả chủ nhà trọ cũng không biết, khó tìm thì việc chị và chủ nhà trọ thỏa thuận được việc gửi giữ tài sản thì nên thực hiện theo đúng những gì đã thỏa thuận. Ngược lại, chị có quyền từ chối, nhưng người chủ nhà trọ sẽ không chịu trách nhiệm khi tài sản bị mất, hư hỏng.

Còn trường hợp của anh L.V.N., việc lựa chọn phương án cầm cố, gửi giữ tài sản sao cho phù hợp, tiết kiệm là quyền của anh. Dù vậy, phương án nào cũng có ưu, khuyết của nó như: ngoài lãi suất tiền vay thì người cầm cố tài sản cũng có quyền yêu cầu anh trả thêm chi phí bảo quản tài sản khi nhận cầm cố.

Riêng với trường hợp của chủ nhà trọ P.V.B., luật sư Nguyễn Văn Nam cho rằng ông P.V.B. có quyền nhận giữ tài sản của những người thuê trọ theo giao dịch mà các bên xác lập, miễn sao giao dịch đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội là được. Còn việc ông nhận giữ tài sản nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng, thất lạc thì ông phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Nam, căn cứ để giải quyết các vướng mắc trên là dựa vào các quy định tại: Điều 309 (Cầm cố tài sản), Điều 313 (Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố), Điều 348 (Quyền của bên cầm giữ), Điều 349 (Nghĩa vụ của bên cầm giữ), Điều 555 (Nghĩa vụ của bên gửi tài sản), Điều 556 (Quyền của bên gửi tài sản), Điều 557 (Nghĩa vụ của bên giữ tài sản) của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202501/can-than-khi-gui-tai-san-de-ve-que-an-tet-c314b24/