Cẩn thận 'tiền mất, tật mang' khi đổi tiền mới Tết 2025

Nhu cầu đổi tiền mới phục vụ dịp Tết của người dân đang tăng cao. Cũng bởi vậy, dịch vụ đổi tiền mới, seri đẹp ngay lập tức 'bắt sóng' thị trường.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, sử dụng tiền mới để lì xì đã trở thành nhu cầu tất yếu của người Việt. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, các dịch vụ đổi tiền lập tức "nở rộ" trên các nền tảng mạng xã hội.

“Muốn bao nhiêu cũng có” trên “chợ mạng”

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên nền tảng Facebook, không khó để tìm thấy các bài đăng về dịch vụ đổi tiền mới, đổi tiền seri đẹp. Các hội, nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới cũng hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên tham gia đông đảo.

Dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Thậm chí, nhiều tài khoản còn “chơi lớn”, chạy quảng cáo để bài viết nổi bật và dễ tiếp cận đến khách hàng hơn. Đủ loại mệnh giá, từ 1.000 đồng đến 500.000 đồng. Các dịch vụ này cam kết cung cấp tiền mới, thậm chí có thể lựa chọn số seri theo yêu cầu, với mức phí đổi dao động từ 3% đến 20% tùy theo mệnh giá và thời điểm.

Thử liên hệ với 1 tài khoản cung cấp dịch vụ đổi tiền mới trên Facbook có tên B.T.Q, phóng viên Báo Công Thương nhận được những lời tư vấn, chào mời như “tiền mới nguyên kiện”, “phí đổi ưu đãi”, "tiền thật, seri đẹp”, “đổi càng sớm càng rẻ”... Người này còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và được kiểm tra thoải mái trước khi nhận tiền.

Chủ cơ sở này cho biết với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí đổi dao động từ 5-6%. Còn với những mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng có phí đổi rẻ hơn một chút, khoảng 3,5-4%. “Đổi nhiều em sẽ tặng bao lì xì Tết và ra lộc chút ít nữa”, người này quảng cáo thêm.

Còn với một trang web chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền mới, mức phí đổi tiền mới hiện nay dao động từ 3%-15%, tăng khoảng 1% so với dịp Tết năm 2024. Cụ thể, đối với tiền mệnh giá 1.000 đồng, phí đổi lên tới 15%; tiền mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng có mức phí 12%; tiền mệnh giá 10.000 đồng là 10%; mệnh giá 20.000 đồng có phí 9%; 50.000 đồng phí 8%; 100.000 đồng phí 6%; và mệnh giá 200.000 đồng có phí thấp nhất là 5%. Ví dụ, một tép tiền 100 tờ mệnh giá 50.000 đồng, trị giá 5 triệu đồng sẽ phải trả phí lên đến 400.000 đồng.

Ngoài tiền mới “nguyên đai nguyên kiện” hay được quảng cáo, còn có cả “loại hàng” tiền “lướt” (loại tiền lọc lại, không cùng seri, mới 90-99%), mức phí đổi tiền lướt rẻ hơn so với tiền mới khoảng 50%. Theo một số người cung cấp dịch vụ đổi tiền, năm nay nguồn tiền mới có thể sẽ hiếm hơn các năm trước, nên đưa thêm nhiều tiền “lướt” vào đổi.

Theo thông tin từ một chủ tài khoản cung cấp dịch vụ đổi tiền trên Facebook, khi đổi 1 triệu đồng tiền lướt, khách hàng chỉ cần trả thêm 40 nghìn đồng tiền phí. Tức là, để đổi 1 triệu đồng, ngoài 1 triệu đồng tiền gốc, khách hàng sẽ phải trả thêm 40 nghìn đồng phí dịch vụ.

Đối với các mệnh giá nhỏ hơn như 1.000 đồng và 2.000 đồng, phí đổi tiền lướt là 15 nghìn đồng mỗi tệp, mỗi tệp trị giá 500 nghìn đồng. Đây là mức phí khá cạnh tranh so với nhiều dịch vụ đổi tiền khác trên thị trường hiện nay.

Website cung cấp dịch vụ đổi tiền mới được đầu tư công phu. Ảnh chụp màn hình

Website cung cấp dịch vụ đổi tiền mới được đầu tư công phu. Ảnh chụp màn hình

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, hoặc tiền có số seri đẹp trong những ngày giáp Tết ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên, dịch vụ này tiềm ẩn không ít rủi ro. Người đổi tiền có nguy cơ rất cao bị lừa đảo, do phần lớn các tài khoản quảng cáo dịch vụ đổi tiền đều không cung cấp thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, khiến khách hàng khó có thể xác minh được tính minh bạch của dịch vụ. Thêm vào đó, những dịch vụ này thường yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản trước một khoản tiền đặt cọc, tạo cơ hội cho những đối tượng xấu lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng.

Không ít người, vì nhẹ dạ cả tin, đã không thể liên lạc được với người nhận đổi tiền sau khi đã đặt cọc, thậm chí có trường hợp bị trộn tiền cũ vào tiền mới hoặc bị “rút ruột” khi giao dịch. Vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu đổi tiền mới, tiền lì xì tăng cao, các đối tượng buôn bán tiền giả cũng gia tăng hoạt động.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền cũ sang tiền mới chỉ được thực hiện khi đồng tiền bị rách, nát hoặc không đủ điều kiện lưu thông. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngân hàng vẫn hỗ trợ khách hàng đổi từ tiền cũ sang tiền mới nếu có nguồn tiền mới tại ngân hàng và việc này được thực hiện miễn phí để không vi phạm các quy định. Điều này tạo ra một sự khác biệt rõ rệt với những dịch vụ đổi tiền không chính thức trên thị trường.

Hoạt động đổi tiền lì xì Tết luôn đi kèm với những lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng về nguy cơ lừa đảo. Mới đây, cơ quan công an đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo thông qua dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, với nhiều mệnh giá khác nhau, bao gồm tiền mới đẹp, tiền có thể chọn số seri để tặng sinh nhật, lì xì… Các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng nhu cầu của người dân để trao đổi tiền bất hợp pháp, thậm chí là tiền giả, nhằm mục đích lừa gạt và chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện giao dịch tiền tệ tại các điểm an toàn như ngân hàng, để tránh bị thiệt hại. Ngoài các ngân hàng, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là trái phép.

Theo Điều 12 và Điều 13 của Thông tư 25/2013/TT-NHNN, người dân muốn đổi tiền mới có thể đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch. NHNN chi nhánh và Sở Giao dịch NHNN có quyền thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời niêm yết mẫu tiêu biểu và quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tuyển chọn, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, thực hiện thu, đổi tiền và niêm yết mẫu tiêu biểu, quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại nơi giao dịch.

Do đó, chỉ các cơ quan và tổ chức tín dụng có thẩm quyền mới được phép thu đổi tiền. Việc thu đổi tiền mới chỉ được thực hiện đối với các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Các cá nhân hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ đổi tiền mới nhằm thu lợi từ chênh lệch là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.

Các cá nhân thực hiện dịch vụ đổi tiền mới có phát sinh chi phí để kiếm lời tức là vi phạm pháp luật. Việc xử phạt sẽ được thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, với mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, theo Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Minh Đạt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-than-tien-mat-tat-mang-khi-doi-tien-moi-tet-2025-368038.html