Cần thẳng thắn nhận diện nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện thẳng thắn, khách quan các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để từ đó tìm ra giải pháp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhằm đạt được mục tiêu giải ngân ở mức cao nhất trong năm 2019.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Sáng ngày 13/9/2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến "Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019". Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị, có Thứ trưởng Trần Xuân Hà và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo,Tài nguyên Môi trường, Y tế và UBND, các cơ quan, các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi ở các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giải ngân mới đạt 10,7% kế hoạch

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng trong một số năm gần đầy và năm 2019 là rất chậm.

Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã thực hiện là 137.176 tỷ đồng, đạt 74,53% dự toán được Quốc hội giao. 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân đạt 3,4% kế hoạch được Quốc hội giao, đạt 7,6% kế hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2019 khoảng 6.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến ngày 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng).

Toàn cảnh hội nghị.

Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Trong đó có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Nhìn thẳng vào nguyên nhân

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm thời gian qua và từ đầu năm 2019 đến nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề: vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.

Bộ trưởng cho rằng, hội nghị trực tuyến hôm nay được tổ chức nhằm tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định lý do tồn tại. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận diện thẳng thắn, khách quan nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Từ đó, tìm ra giải pháp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo nhằm đạt được mục tiêu giải ngân ở mức cao nhất trong năm 2019.

Làm rõ thêm về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, dẫn đến một số trường hợp khi ký kết được hiệp định vay thì thời gian còn lại để triển khai dự án không đủ, phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, khi làm thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay cho dự án, nhiều bộ ngành và địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều dự án chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ vốn đối ứng dẫn đến việc triển khai các dự án rất chậm.

Trong thủ tục rút vốn, tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục vẫn còn phát sinh, điển hình như: đơn đề nghị rút vốn các khoản chi không đúng chế độ; chi tư vấn quản lý dự án, thực hiện dự án, chi mua ô tô khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép; tạm ứng khi chưa có quyết định giao dự toán vốn...

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) báo cáo tại hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã nêu lên những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chủ yếu nguyên nhân được nhận định là do tính sẵn sàng dự án thấp; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư ở các địa phương ảnh hưởng đến tiến độ dự án; vấn đề về tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu và trong quá trình tổ chức triển khai còn chậm...

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Xuất phát từ tình hình trên, để thúc đẩy khối lượng giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong các tháng cuối năm 2019 nhằm đạt kế hoạch vốn đề ra, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2019. Trên cơ sở đó, các bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong thời gian còn lại của năm 2019.

Để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát và báo cáo các cấp có thẩm quyền để thực hiện việc điều chuyển các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt là đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các bộ, ngành địa phương đã được bố trí nhưng không vượt kế hoạch.

Đối với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các bộ chủ quản và địa phương cần làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án. Đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 04 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm...

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/can-thang-than-nhan-dien-nguyen-nhan-cham-giai-ngan-von-oda-von-vay-uu-dai-nuoc-ngoai-312725.html