Cần thanh tra việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu!

Hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh thành đã tạm đóng cửa, với lý do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế. Điều này gần như vô hiệu hóa vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu (Quỹ BOG).

Nhiều cửa hàng đóng cửa do không có nguồn cung nguyên liệu hoặc thiếu nhân viên.

Nhiều cửa hàng đóng cửa do không có nguồn cung nguyên liệu hoặc thiếu nhân viên.

Sở Công thương tỉnh Bình Dương vừa cho biết gần 1/5 số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại đây đã tạm đóng cửa. Cụ thể, Bình Dương hiện có 445 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; Trong đó 58 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa do không đủ điều kiện đề hoạt động bán lẻ, 33 cửa hàng khác đóng cửa do không có nguồn cung nguyên liệu hoặc thiếu nhân viên…

Lạ một điều là hiện tượng này cũng xảy ra với hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại nhiều tỉnh khác như: Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk…

Nhiều cửa hàng đã treo biển hết hàng nghỉ bán. Theo lý giải của các thương nhân, việc tạm ngưng bán hàng xuất phát từ việc nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị thua lỗ.

Dù vậy, vẫn khó có chuyện “đồng loạt” đóng cửa như vậy, vì đã có Quỹ BOG sẽ đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát thị trường, tránh tăng giá “sốc” vào những dịp lễ, Tết… gây tác động cộng hưởng tới nền kinh tế và người tiêu dùng”.

Trên thực tế, mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam đều tự động trích 300 đồng/lít để đưa vào Quỹ BOG và quỹ này nằm ở chính các doanh nghiệp. Hiện cả nước đang có 28 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu. Khi được lệnh “xả” Quỹ để bình ổn thì ngoài doanh nghiệp lớn sẽ có vài doanh nghiệp nhỏ tích lũy thấp nên bị “âm quỹ”. Nhưng với vai trò bám sát tình hình thực tế của thị trường, trên cơ sở Nghị định 83 của Chính phủ thì liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ không để chuyện này xảy ra.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012: “Trong trường hợp cần thiết, lập Quỹ BOG đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá; Sử dụng Quỹ BOG khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống”.

Cần thanh tra việc sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các doanh nghiệp liên quan.

Cần thanh tra việc sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các doanh nghiệp liên quan.

Hiện nay cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu được quy định chi tiết trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; Cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ BOG và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC).

Theo đó, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 39/2014/TTLT-BCT-BTC nêu rõ: “Các thương nhân đầu mối... trích lập Quỹ BOG và chỉ sử dụng Quỹ BOG cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC thì: “Quỹ BOG được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, dầu diezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madut thực tế tiêu thụ”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2014/TTLT-BCT-BTC cũng quy định: “Nghiêm cấm sử dụng Quỹ BOG để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác ngoài quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng chia sẻ với báo chí rằng: Giá mặt hàng xăng dầu hiện nay là một trong số ít những mặt hàng thiết yếu đang tiến dần đến điều hành theo cơ chế thị trường. Chúng ta có 28 đầu mối trực tiếp nhập khẩu xăng dầu (hiện đang xem xét tăng thêm) và điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ đã có công thức tính giá rõ ràng, lấy giá bình quân 15 ngày theo mức giá nhập khẩu tại sàn Singapore “lắp” vào công thức và đưa ra giá bán.

Lâu nay, chuyện thiếu minh bạch về Quỹ BOG đã được nhắc tới nhiều, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ “khua chiêng gióng trống” mà thôi. Đây là dịp để thanh tra việc sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các doanh nghiệp liên quan.

Sông Hương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/can-thanh-tra-viec-su-dung-quy-binh-on-gia-xang-dau-109331.html