Cảnh sát giao thông vào bãi giữ xe xử lý học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy
Xe máy đang gửi ở bãi xe, nếu CSGT nhận tin báo, tố giác… về việc người đi xe, gửi xe chưa đủ tuổi đi xe máy hoặc đi xe phân khối lớn hơn mức được phép thì có quyền tạm giữ phương tiện vi phạm.
Cháu tôi đi học lớp 10 bằng xe máy và gửi xe ở cổng trường (nhà dân trông xe). Trong lúc cháu tôi đang học thì cảnh sát giao thông đến chỗ mà cháu tôi đang gởi xe, đưa xe của cháu tôi lên xe tải mang về.
Xin hỏi, cảnh sát giao thông làm như vậy là đúng hay sai?
Bạn đọc Hoàng Văn Tuấn, TP.HCM
Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.
Bên cạnh đó, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các phương tiện đang lưu thông; lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) còn có nhiệm vụ thông qua công tác nhận, xử lý tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời, theo quy định hiện hành, CSGT có quyền xử phạt hành chính người đi xe máy nếu người đó vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan. Khi xử phạt hành chính, cảnh sát giao thông còn có quyền tạm giữ phương tiện tùy theo hành vi vi phạm.
Như vậy, trong trường hợp trên, xe máy đang gửi ở bãi xe của nhà dân trước cổng trường, tuy nhiên nếu lực lượng CSGT nhận tin báo, tố giác… về hành vi vi phạm pháp luật của học sinh đó (chẳng hạn đi xe có phân khối lớn hơn mức được phép, hoặc chưa đủ tuổi đi xe máy) thì có quyền tạm giữ phương tiện vi phạm theo quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021), phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Điều 22 Nghị định 100/2019 quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính cảnh cáo như sau:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) thì chỉ phạt cảnh cáo, không bị phạt tiền. Nhưng sẽ xử phạt đối với cá nhân, tổ chức nếu giao phương tiện giao thông cho người chưa đủ tuổi điều khiển.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện (theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).