Cần tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp ở miền núi
Mặc dù công tác quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị về cơ bản đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên thực trạng chung của các CCN là thiếu nguồn vốn đầu tư hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Bên cạnh đó, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật CCN chưa được đầu tư đồng bộ, mới chỉ tập trung tại khu vực đồng bằng, hạn chế phát triển ở khu vực phía Tây của tỉnh thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp đến hoạt động tại các địa phương này.
CCN Krông Klang, huyện Đakrông có vị trí khá đẹp, nằm cạnh Quốc lộ 9, tuyến giao thông huyết mạch phía Tây Quảng Trị. Khi hoàn thành, CCN này sẽ đem lại diện mạo mới về phát triển công nghiệp cho địa phương. Có tổng mức đầu tư khoảng 20 tỉ đồng cùng diện tích đất quy hoạch 135.520 m2 , tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho việc thu hút đầu tư vào CCN Krông Klang vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đến nay, chỉ có một doanh nghiệp thuê 1,07 ha đất tại đây để thực hiện dự án gia công cơ khí, cán tôn xà gồ và sản xuất vật liệu xây dựng. Hạ tầng thiếu đồng bộ chính là “điểm nghẽn” trong việc thu hút các dự án vào hoạt động tại đây.
Ông Nguyễn Trí Ba, Công ty TNHH MTV Sơn Dũng - Quảng Trị, doanh nghiệp đầu tư vào CCN Krông Klang cho biết: “Được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nên bước đầu công ty chúng tôi đầu tư vào đây cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hiện trong CCN vẫn còn gặp một số khó khăn như hệ thống điện, nước chưa đồng bộ. Vì vậy, tôi kiến nghị các cấp tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thiện các hệ thống hạ tầng còn thiếu. Dự án chúng tôi sau khi triển khai cũng sẽ tạo việc làm cho người dân trên địa bàn huyện, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hiện nay CCN Krông Klang đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chưa có quy chế quản lý CCN, việc xúc tiến đầu tư vào CCN còn khó khăn cũng chính là rào cản lớn cần kịp thời tháo gỡ.
Hiện tại chỉ có 3 nhà đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và 4 doanh nghiệp đang xin chủ trương khảo sát đầu tư vào CCN Krông Klang. Ông Hoàng Đức Nam, cán bộ Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và CCN huyện Đakrông cho biết: tỉ lệ lấp đầy của CCN là 42%. Ngoài ra hiện có 7 doanh nghiệp đang xin chủ trương khảo sát đầu tư vào cụm. Tuy nhiên, chính quyền huyện vẫn đang xem xét để lựa chọn những nhà đầu tư có khả năng thu hút, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trong khi đó CCN Hướng Tân, huyện Hướng Hóa có tổng diện tích 12,5 ha, đã đầu tư các hạng mục như: san ủi mặt bằng, hàng rào, hệ thống thoát nước mặt đường do Công ty TNHH Thái Hòa làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. CCN này đã có 2 dự án đầu tư vào là Nhà máy chế biến cà phê quả tươi của Công ty TNHH Thái Hòa và xưởng cưa xẻ, sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Nguyên Block.
Trong đó, dự án Nhà máy chế biến cà phê quả tươi đã ngừng hoạt động từ năm 2013, nay đã chuyển giao cho đơn vị khác. Chỉ có xưởng cưa xẻ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng đang hoạt động. Việc doanh nghiệp thiếu đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao CCN Hướng Tân qua nhiều đơn vị khác nhau khiến việc điều hành của Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và CCN huyện gặp nhiều khó khăn.
Không có hồ sơ quản lý đồng nghĩa với công tác quản lý nhà nước của CCN chỉ dừng ở việc theo dõi; việc mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp trong cụm khó có thể thực hiện.
Ông Bùi Văn Đằng, quản lý Công ty TNHH Nguyên Block cho biết: “Công ty mong muốn qua năm 2025, tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện thêm về quỹ đất để đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất ổn định, lâu dài”.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển 21 CCN với tổng diện tích 587 ha. Đến nay đã hình thành 17 CCN với tổng diện tích 527,5 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy khoảng 64%.
Được biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.030 tỉ đồng, trong khi đó tính đến cuối năm 2023, tổng số vốn đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN khoảng 250 tỉ đồng, mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 20%.
Nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng CCN chủ yếu từ ngân sách trung ương, tỉnh và đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố. Tại các CCN phía Tây Quảng Trị, có thể thấy sức thu hút còn thấp do thiếu nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ phù hợp, hệ thống dịch vụ còn chưa phát triển...
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và CCN huyện Đakrông Lê Minh Giáp cho biết: hiện tại cơ sở hạ tầng sau khi xây dựng CCN Krông Klang chưa được đồng bộ, như thiếu cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường quy định nếu các CCN không có hệ thống xử lý nước thải thì không được thu hút đầu tư.
Do đó công tác thu hút đầu tư vào CCN này gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư vào thưa thớt dù CCN tiếp giáp với Quốc lộ 9 và nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây rất thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu trên địa bàn cũng dồi dào.
“Thời gian tới, mong muốn các ngành cấp trên, các nhà đầu tư đồng hành với địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải trong CCN nhằm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành địa phương và Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và CCN huyện cũng sẽ tìm hiểu, thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng”, ông Giáp cho hay.
Thực tế cho thấy các CCN chủ yếu thu hút các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp có công nghệ thấp và chỉ dừng ở mức sơ chế, các sản phẩm phần lớn tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh. Do đó, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch chưa nhanh, còn ít sản phẩm mới, công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển còn chậm; các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống phát triển chưa tương xứng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của các CCN trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết và đúng tiến độ, nhất là đối với các công trình bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các địa phương chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; đồng hành với các doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư.