Cần tháo gỡ vướng mắc trong chế độ BHXH cho người mắc Covid -19
Thời gian qua, không ít người lao động mắc Covid-19 gặp những khó khăn không nhỏ trong việc xin xác nhận hưởng BHXH với F0 điều trị tại nhà.
Để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội về nội dung này.
Bà Thủy cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị sửa đổi các văn bản quy định cấp giấy xác nhận hưởng chế độ BHXH cho F0 điều trị tại nhà.
PV: Thưa bà, thủ tục để F0 xin xác nhận hưởng chế độ BHXH khá phức tạp. Điều này được ghi nhận trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội như thế nào?
Bà Nguyễn Phương Thủy: Như chúng ta biết, theo quy định của Luật BHXH, người lao động tham gia BHXH bắt buộc thì đều được hưởng các chế độ ốm đau, được thanh toán tiền bảo hiểm điều trị các bệnh mà họ mắc phải hoặc là chăm sóc con dưới 7 tuổi mà mắc những bệnh có xác nhận của cơ quan khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Vừa qua, chúng ta đều biết số người nhiễm virus SARS-CoV-2 mà chúng ta hay gọi là F0 có tăng đột biến ở rất nhiều địa phương, trên cả nước có đến hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Theo đó, thì số lượng người lao động hưởng BHXH bị nhiễm virus, trở thành F0 khá là nhiều.
Vừa qua, theo phản ánh của dư luận cũng như trên phương tiện thông tin báo chí, chúng tôi biết rằng người lao động phải làm các loại giấy tờ, xác nhận hồ sơ để nhận giấy chứng nhận thực hiện thanh toán chế độ đang gặp nhiều khó khăn và cũng rất vướng mắc. Có thể thấy rõ nhất vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 56/20017 của Bộ Y tế, quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Luật BHXH và vệ sinh an toàn lao động.
PV: Vậy theo bà, Thông tư 56 hiện đang tồn tại những bất cập?
Bà Nguyễn Phương Thủy: Chúng tôi thấy rằng có 3 vấn đề lớn nổi lên, thứ nhất là quyền cấp giấy chứng nhận hưởng BHXH đối với các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, chiếm số lượng lớn. Rất nhiều người sau thời gian kết thúc giai đoạn cách ly y tế điều trị tại nhà, họ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế.
Sau đó họ phải thêm một thủ tục nữa để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Bởi giấy xác nhận hoàn thành cách ly tế tại nhà hoặc là nơi cư trú thì do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã cấp và đóng dấu của UBND cấp xã. Còn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì lại do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trước đây, chúng ta yêu cầu phải là Trung tâm y tế cấp huyện.
Vừa qua, một số địa phương, Sở Y tế đã có hướng dẫn trạm y tế xã, phường, thị trấn có thể cấp giấy này, tuy nhiên, một số địa phương thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho các bệnh nhân F0 đang có sự lúng túng, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến việc người lao động phải đi lại nhiều lần để được cấp giấy này.
Vấn đề bất cập thứ hai liên quan đến thời gian cấp giấy và thời gian nghỉ ghi trên giấy. Cũng theo quy định tại Thông tư 56, thời gian cấp giấy phải trùng với thời gian đầu tiên đến khám bệnh ngoại trú hoặc thời gian bắt đầu nghỉ của người lao động. Tuy nhiên, thời gian thực tế F0 phát hiện dương tính, họ thông báo đến y tế xã, phường để được ra quyết định là cách ly y tế điều trị tại nhà. Trong quá trình điều trị, khi nào có kết quả xét nghiệm âm tính, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương mới cấp mới cấp cho họ giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Trên cơ sở đó, Trạm y tế mới cấp giấy chứng nhận hưởng BHXH. Nhiều Trạm Y tế trước nay không làm việc này và bây giờ họ mới được giao thêm thẩm quyền nên nhiều nơi cũng lúng túng và việc cấp giấy ghi sai thời gian trên giấy cũng là một trong những lý do mà BHXH từ chối thanh toán. Do đó người lao động phải đi lại nhiều lần để được cấp lại giấy theo đúng mẫu tại Thông tư 56.
Tôi thấy Thông tư này khá bất cập bởi vì, Thông tư 56 thì rất là phù hợp đối với việc điều trị ngoại trú đối với những trường hợp thông thường khác. Thế nhưng đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể, khi người lao động khi nhiễm virus bắt buộc phải cách ly y tế, thời gian kết thúc cách ly phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm.
Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, thông thường là 7 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài ngày nữa còn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm. Nếu quy định cứng nhắc là 7 ngày sau đó tăng thêm thủ tục, gây rườm rà phức tạp thêm mà không cũng như là ngay khúc mắc cũ y tế tại địa phương.
PV: Với những vướng mắc như bà vừa nêu, vậy Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có kiến nghị gì giúp đơn giản thủ tục hưởng BHXH cho người lao động mà vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, thưa bà?
Bà Nguyễn Phương Thủy: Trong báo cáo số 551 của Ủy ban Pháp luật ngày 24/2 vừa qua, thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã nêu vấn đề này và kiến nghị với tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lưu ý với Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan cần khẩn trương nghiên cứu và có đề xuất sửa đổi cụ thể các quyết định của pháp luật liên quan đến vấn đề này để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động cũng như là giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan y tế, đặc biệt là các bác sĩ pháp y tế, các đơn vị, các xã, phường, thị trấn.
Theo chúng tôi, để giải quyết vấn đề này, thứ nhất Bộ Y tế phải làm việc thống nhất với BHXH và các cơ quan có liên quan để sớm có quy định mà tính đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ hiện đang được quy định trong Thông tư 56. Nếu có vấn đề nào vướng mắc liên quan đến quy định của Luật thì cũng kịp thời báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những biện pháp xử lý theo đúng quy định tại Nghị quyết 30 của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất. Chúng tôi cũng thấy rằng kiến nghị của nhiều địa phương cũng như của nhiều người dân nên xem xét để làm sao đơn giản bớt thủ tục hành chính.
Có thể xem xét, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A như bệnh Covid-19, có thể sử dụng giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để thay thế cho giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Việc cấp giấy này cũng dựa trên kiến nghị của các cơ quan thường trực, chính là các cơ quan y tế tại địa phương. Các thông tin ở trên giấy này thì cơ bản là cũng giống nhau, cũng xác nhận thời gian người lao động buộc phải nghỉ để hoàn thành việc điều trị, cách ly tại nhà.
Nếu thiếu thông tin gì chúng ta có thể bổ sung thông tin vào giấy xác nhận đó, tránh việc 2 cơ quan cấp 2 giấy khác nhau, vừa thêm thủ tục, tăng thêm khối lượng công việc. Ngoài những người nhiễm Covid, phải cách ly điều trị thì những người tiếp xúc gần là F1, cũng phải cách ly, không đi làm được thì hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để họ cũng được hưởng chế độ BHXH cho những ngày họ phải nghỉ việc. Tháo gỡ sớm được vấn đề này thì sẽ tạo thuận lợi cho người lao động, đảm bảo quyền lợi mà họ được hưởng.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.