Cần thấu hiểu và chung tay tháo gỡ 'khó khăn kép' của doanh nghiệp
Đó là quan điểm của ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.
Chia sẻ thêm với PV Báo CAND sáng nay (13/10), ông Hùng cho biết, Đà Nẵng được Trung ương xác định đóng vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trên địa bàn thành phố hiện có 6 khu công nghiệp (KCN), 1 Khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 2.326 ha, thu hút được 524 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, các doanh nghiệp (DN) nộp ngân sách chiếm khoảng 22% thu ngân sách của thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết DN trong khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu chỉ đạt 564,2 triệu USD (giảm 12,4%), nhập khẩu đạt 332,39 triệu USD (giảm 23,3%), nộp ngân sách 2.180,13 tỷ đồng (giảm 12,3%). Đến quý III/2023, một số DN đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại, trong các lĩnh vực như cao su, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghệ phần mềm...
Qua khảo sát gần đây của DHPIZA tại 146 DN thì có 56 đơn vị hoạt động sản xuất ổn định, tốt hơn (chiếm 38,4%); 90 DN gặp khó khăn (chiếm 61.2%). Nguyên nhân chủ yếu là do: tốc độ phục hồi của các DN sau đại dịch COVID-19 còn chậm, nguồn lực tài chính khó khăn để có thể tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng với sự thay đổi về tiêu chuẩn, thị hiếu và yêu cầu mới của khách hàng về hàng hóa, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu; thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu;...
Tính đến hết tháng 9/2023, ước doanh thu hơn 38.400 tỷ đồng, đạt 90,8% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 927 triệu USD, chỉ bằng 87,6% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu 577,6 triệu USD đạt 76,7% cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách 3.257 tỷ đồng đạt 87,7% cùng kỳ năm trước. Tổng số lao động tại các DN thời điểm giữa năm 2023 là 60.051, giảm 4.260 người (tức giảm khoảng 6,6%) so với cùng kỳ năm trước.
“Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong các KCN, khu công nghệ cao đã và đang gặp nhiều khó khăn, và dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian đến. Những khó khăn không chỉ ở hoạt động sản xuất kinh doanh nội tại của DN, mà còn nằm ở các vướng mắc về thủ tục hành chính - pháp lý kéo dài qua nhiều năm. Chúng tôi cho rằng, đây thực sự là khó khăn kép, cần có sự thấu hiểu, cùng chung tay tháo gỡ theo tinh thần khơi thông nguồn lực như chủ đề của năm 2023; vì màu cờ sắc áo, vì tương lai phát triển của Đà Nẵng”, ông Hùng chia sẻ.
Để hỗ trợ DN và xúc tiến đầu tư trong thời gian đến, theo ông Hùng, một trong những giải pháp cần tập trung là tiếp tục đồng hành với DN, thấu hiểu những khó khăn của DN là nền tảng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho DN. Từ đó, tạo ra nhiều công việc làm cho người lao động, tạo ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế của thành phố. Có cơ chế chính sách để lực lượng DN công nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay tín chấp, lãi suất ổn định để tập trung chuyển đổi số, biến nhà máy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh hơn, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của DN. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho các DN.
“Hiện chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của một DN FDI trong việc hỗ trợ đối ứng với thành phố thành lập một Viện nghiên cứu công nghệ cao, trong đó thiết lập các phòng lab kiểm thử công nghệ, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD; nhà đầu tư góp vốn gần 10%, còn lại thành phố tham gia vào. Nếu được đầu tư, đây sẽ là một mắc xích quan trong hệ sinh thái thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao vào Đà Nẵng”, lãnh đạo DHPIZA thông tin; đồng thời đề xuất cần quan tâm thiết lập kênh quan hệ lãnh đạo cấp cao địa phương – trung ương trong công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận các đại bàn công nghệ cao, thu hút đầu tư đột phá vào Đà Nẵng.