Cần thay đổi cách thức tuyên truyền giao thông

'Cách làm còn đơn lẻ, nặng tính hình thức; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên... Đây là những điều cần được thay đổi' - Một số ý kiến đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị 'Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố' do Sở GT-VT Hà Nội vừa tổ chức.

Còn đơn lẻ, chưa bài bản

Ùn tắc và TNGT đang là một trong những vấn đề nan giải đối với đời sống của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là theo đánh giá của các chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan quản lý tại hội nghị "Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông và TNGT trên địa bàn thành phố" do Sở GT-VT Hà Nội tổ chức thì công tác thông tin truyền thông cho vấn đề này còn bộc lộ không ít bất cập.

Hạn chế xe cá nhân, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng là một trong những biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, để giảm ùn tắc và TNGT, một trong những giải pháp cơ bản là phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phát triển hài hòa các phương thức vận tải hành khách công cộng. Hà Nội đã đặt vấn đề rất đúng và trúng, tuy nhiên cách thức truyền thông lại đang đặt ra những điểm cần giải quyết. Chẳng hạn, cùng với giải pháp quản lý xe cá nhân cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển vận tải công cộng và các phương thức vận tải khác theo hướng bảo đảm an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, tốt hơn phương thức đi lại bằng xe cá nhân để người dân có sự lựa chọn mới có thể thành công. Những nội dung này trong đề án của TP Hà Nội đã có, nhưng rất tiếc công tác truyền thông còn nhiều bất cập, nên không ít người dân hiểu là thành phố chỉ đang tập trung vào hạn chế xe cá nhân.

TS Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, mặc dù thành phố đã hết sức cố gắng triển khai nhiều giải pháp và đã có những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính là công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế như: Việc tuyên truyền đôi lúc chưa được duy trì thường xuyên; công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT có sự chuyển biến nhưng chưa đến được với người dân, nhất là những người dân ở các vùng xa trung tâm và lứa tuổi thanh, thiếu niên dẫn tới ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế. Nhiều cơ quan thông tin đại chúng mới chỉ tập trung đưa tin về các vụ TNGT mang tính giật gân mà chưa có những bài phản ánh, phân tích chuyên sâu về nguyên nhân ùn tắc, TNGT hay ý thức người tham gia giao thông, nhất là việc giảm thiểu, hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân để từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, hình thành nếp sống văn minh sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Thay đổi phương thức

Làm sao để công tác truyền thông khả thi, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông? Theo ông Trần Hữu Minh, giải pháp khả thi hay không, nên làm hay không phải thể hiện qua phân tích, đánh giá kinh tế - xã hội và môi trường. Cơ quan soạn thảo đề án phải lượng hóa được cả lợi ích và thiệt hại một cách thuyết phục bằng con số cụ thể qua việc sử dụng những công cụ mô phỏng mô hình giao thông phù hợp. Trong truyền thông hiện chưa thấy đề cập đến những nội dung này.

Đại diện một số cơ quan thông tin đại chúng cho rằng, cần phải xác định rõ: Việc tuyên truyền không chỉ mang tính chất thông báo, áp đặt thời gian thực hiện; tuyên truyền về trách nhiệm công dân trong việc tuân thủ pháp luật mà cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến các quyết định để người dân thực sự được "đả thông" trong nhận thức. Đó là căn cứ pháp lý để thực hiện chủ trương nêu trên có phù hợp với các quy định của pháp luật? Đặc biệt, phải nêu rõ sự cần thiết trong việc thực hiện những chủ trương này với mục tiêu là giảm tối đa tình trạng ùn tắc, bảo đảm việc tổ chức giao thông trên địa bàn thông thoáng, văn minh... Để làm tốt công tác này, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan truyền thông cần có sự phối hợp chủ động, dài hơi, sâu rộng hơn chứ không chỉ tập trung vào các dịp cao điểm.

TS Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, để công tác thông tin tuyên truyền thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền ngay từ gia đình, trường học, cơ quan và nơi cư trú về chủ trương, cơ chế, chính sách, các cơ quan thông tin đại chúng cần cập nhật tin tức giao thông hằng ngày, chú trọng phân tích sâu những nguyên nhân gây ra ùn tắc và TNGT, tăng cường đưa những hình ảnh về TNGT nhằm tác động vào trực quan của con người để gây tác động lớn đến ý thức người tham gia giao thông. Đồng thời, xử lý vi phạm giao thông phải nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng tiêu cực...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/857975/can-thay-doi-cach-thuc-tuyen-truyen-giao-thong