Cần thay đổi mô hình, nâng cao chất lượng chợ truyền thống

Chợ truyền thống phải thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội.

Chợ truyền thống không chỉ là nơi bán hàng mà còn có thể khai thác những giá trị văn hóa, lịch sử, nên cần phải cải tiến phù hợp, hiệu quả. Đó là ý kiến của đại biểu tại tọa đàm "Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1, TP.HCM", do Sở Công thương TP.HCM tổ chức hôm nay (27/3).

Khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng chợ truyền thống có những đặc thù riêng mà các hệ thống bán lẻ hiện đại không có được, đó là sự tương tác trực tiếp giữa người mua, người bán, đặc biệt một số chợ còn có những giá trị văn hóa, lịch sử cần được khai thác hiệu quả.

Theo ông Trần Hữu Phúc Tiến - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, thay vì chỉ livestream bán hàng thì một số chợ truyền thống có thể thực hiện nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, lịch sử của chợ để thu hút khách. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của tiểu thương. “Người chủ sạp, tiểu thương ở chợ phải là người đầu tiên am hiểu về văn hóa, lịch sử giá trị của chợ thì họ mới tự hào và tự nguyện làm, chứ không phải chính quyền trực tiếp làm”, ông Tiến nói.

Ông Trần Hữu Phúc Tiến - Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM - Ảnh: Lệ Hằng

Ông Trần Hữu Phúc Tiến - Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM - Ảnh: Lệ Hằng

Nhiều diễn giả cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên chuẩn bị để khai thác tốt không gian ngầm kết nối giữa chợ Bến Thành và các trạm, tuyến Metro Bến Thành đến Nhà hát lớn thành phố và Ba Son… phục vụ khách đến tham quan và mua sắm. Các chợ truyền thống cũng phải thay đổi phương thức quản lý, thanh toán và giao nhận hàng hóa.

TS. Lê Thị Hải Yến - Trường Đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ để tiểu thương nhanh chóng tiếp cận việc số hóa phương tiện thanh toán và cách thức bán hàng mới trong thời đại số.

“Chợ truyền thống đang lưu thông bằng chân, hàng dùng tay đẩy vào chợ, shipper vào chợ lấy hàng. Nếu chúng ta vẫn giữ được bên ngoài cảnh quan truyền thống, bên trong nhưng hàng hóa lưu thông kiểu khác như việc giao hàng, trần chợ có dây chuyền chạy quanh, đưa hàng từ bên trong ra ngoài chợ để shipper nhận và giao hàng luôn sẽ thay đổi đáng kể”, TS. Lê Thị Hải Yến nêu ý tưởng.

Ông Nguyễn Đại Ngọc - Phó trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm - Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Lệ Hằng

Ông Nguyễn Đại Ngọc - Phó trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm - Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Lệ Hằng

Xây dựng niềm tin của người tiêu dùng

Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, cần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng đối với các chợ truyền thống. Vì bên cạnh giá cả, chất lượng và cách phục vụ thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được nhiều người quan tâm.

“Sở cố gắng làm việc với các BQL chợ để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ để tăng niềm tin của người tiêu dùng. Các Sở, ban ngành khác cũng phải quan tâm để tránh tình trạng khách mua hàng ở chợ gặp phải hàng đắt, hàng nhái, làm giảm sức hấp dẫn của chợ truyền thống”, ông Ngọc đề xuất.

TP.HCM hiện có 224/233 chợ truyền thống đang hoạt động, trong đó nhiều chợ đã xuống cấp. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận, tại các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán hàng nhái, hàng không có nguồn gốc rõ ràng khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin. Đồng thời, những bất cập trong công tác quản lý chợ là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng khách đi chợ. Sau dịch bệnh Covid-19, có thời điểm số lượng khách hàng giảm từ 30%-50% so với năm 2019.

Đại biểu dự tọa đàm - Ảnh: Lệ Hằng

Đại biểu dự tọa đàm - Ảnh: Lệ Hằng

Để khắc phục tình trạng này, chợ truyền thống phải thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội phát triển hệ thống chợ truyền thống tại TP.HCM.

Hiện nay, UBND Quận 1 đang thực hiện xã hội hóa để nâng cấp, cải tạọ những ngôi chợ đã xuống cấp. Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cho biết, quận đã bắt đầu kêu gọi thương nhân để xã hội hóa, sửa chữa hoặc thêm các hạng mục để chợ có thêm hoạt động phong phú thu hút du khách. Quá trình này đang thực hiện ở chợ Tân Định, sắp tới sẽ cải tạo hàng loạt chợ tại tuyến Mã Lộ. Còn chợ Thái Bình, chợ Đa Kao cũng đang tìm nguồn xã hội hóa.

Chợ truyền thống giữ một vị trí khó thay thế, tuy nhiên TP.HCM phải thay đổi mô hình hoạt động, cách thức quản lý, đồng thời khai thác tốt các yếu tố văn hóa, lịch sử để thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-thay-doi-mo-hinh-nang-cao-chat-luong-cho-truyen-thong-post1085402.vov