Cần thay đổi phong tục trả sính lễ trong hôn nhân truyền thống người S'tiêng

Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

Bài 3:
SỰ BIẾN ĐỘNG VỀ TÀI SẢN SAU LỄ CƯỚI

Đối với nhà trai

Sau lễ cưới, nhà trai có thể "nghèo đi”, nhà gái có thể “giàu lên”. Ở góc độ nào đó, đôi khi sính lễ bị đặt ngang hàng với giá trị kinh tế, vì vậy trong trường hợp nhà trai không có tiềm lực về kinh tế, họ thường bị nhà gái đề nghị ở rể. Tác giả Lưu Ty nhận xét rằng: "Hôn nhân của người Thượng thực sự là một cuộc hôn nhân đổi chác, mua bán" (Non nước Phước Long, 1972, tr.67-68).

Tùy hình thức hôn nhân, lai lịch người mẹ của cô gái, điều kiện gia đình nhà trai, sính lễ nhà trai mang sang nhà gái trong lễ cưới có thể nhiều hay ít, đủ hay thiếu. Nhìn vào giá trị sính lễ và quy mô tổ chức lễ cưới, người ta sẽ hiểu được phẩm giá của cô dâu và địa vị kinh tế, xã hội của nhà trai. Dù hôn nhân theo hình thức nào, điều kiện nào đi chăng nữa thì sự hao hụt về kinh tế của nhà trai là không thể tránh khỏi, rất rõ nét. Tâm lý người S’tiêng phụ hệ không muốn con trai mình phải ở rể, họ quan niệm: "dak suôt, rpuôt tac/tach" ("dak" ở đây không phải nước, mà là sính lễ, "rpuôt” cũng là sính lễ), "rpuôt tac" tức là không nợ sính lễ - quan niệm này thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của nhà trai.

Nếu theo truyền thống, nhà trai phải nộp cho gia đình cô gái 3 cái ché cổ Srung (1 Srung có thể quy ước bằng 1 con trâu trưởng thành hoặc hơn) và một số lễ vật khác như: cồng chiêng, giáo dài, dao côi, ché các loại, đồ trang sức, vải, quần áo. Hiện nay, dù những giá trị sính lễ (lễ vật) được quy bằng tiền, vàng nhưng nếu theo truyền thống thì nhà trai phải tốn vài trăm triệu đồng. Trong đó, từ 3 cái Srung (tùy loại), mỗi cái trị giá ít nhất từ 30-40 triệu đồng; 2 bộ cồng cổ (40-50 triệu đồng/bộ); 1 con trâu thịt (40-50 triệu đồng/con); heo thịt từ 6-10 con (gần 40-50 triệu đồng). Đây là một gánh nặng đáng kể đối với gia đình nhà trai.

Vì vậy, trong xã hội truyền thống, trường hợp nhà trai không có điều kiện thì con trai phải ở rể hoặc cha mẹ phải gả bán con gái (kwan-sa ksêi) để lấy của cải cưới vợ cho con trai. Ngày nay, nhiều gia đình phải bán đất, cầm cố đất, vay lãi nặng để có tiền lo cưới xin.

Đối với nhà gái

Trong xã hội truyền thống, người S’tiêng có câu "khun Amêi, Arôh" (giàu có nhờ mẹ, nhờ chị, em gái). Quan niệm này không có nghĩa là gia đình có nhiều chị em gái thì không cần lao động, mà hàm ý rằng: thông qua con đường hôn nhân, những gia đình có tỷ lệ con gái nhiều hơn con trai thì cơ hội nhận được nhiều của cải vật chất hơn, sẽ giàu có. Xét về giá trị của lực lượng lao động thì đối với gia đình có nhiều con trai (với điều kiện con trai phải siêng năng) sẽ làm ra nhiều của cải cho gia đình hơn so với nhà có nhiều phụ nữ. Những gia đình ít con trai hoặc không có con trai sẽ thiếu hụt lao động chính, khó khăn trong việc phát rừng, làm rẫy, làm nhà và sẽ tốn kém do chi phí nhờ cộng đồng giúp đỡ. Tuy nhiên, với tập quán cưới xin như xã hội truyền thống thì trường hợp gia đình có nhiều con gái sẽ giàu có là đúng, nhất là gia đình có nhiều con gái giỏi giang, cần cù, xinh đẹp, người mẹ có lai lịch tốt. Ngược lại, những gia đình có nhiều con trai (con trai lười lao động: jrot) thì sẽ gặp khó khăn hơn vì kinh tế (sính lễ) sẽ dịch chuyển sang nhà gái dù ít hay nhiều.

Sau khi nhận sính lễ, kinh tế nhà gái có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Những sính lễ có giá trị kinh tế như: trâu, bò, heo, các loại ché quý, bộ cồng chiêng... được nhà gái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, có thể làm lễ vật cưới vợ cho con trai, trang trải cuộc sống, mua sắm tài sản khác có giá trị hoặc cho vay. Trường hợp nhà trai còn nợ sính lễ, phải cho con ở rể thì diện tích canh tác hoặc tài sản của gia đình nhà gái cũng được tăng lên; những vật dụng trong nhà được các chàng rể đan lát mà không phải tốn kém chi phí để mua; nguồn thực phẩm do con rể khai thác trong tự nhiên được sử dụng chung cho cả nhà. Vì vậy, nhà có nhiều con gái hơn con trai, kinh tế của gia đình sẽ khá hơn gia đình có con trai nhiều hơn con gái. Hiện nay, dù sính lễ trong lễ cưới có giảm so với trước đây nhưng một số nơi vẫn còn tồn tại.

Những tác động đến tâm lý, xã hội đối với nhà gái

Về mặt quan hệ xã hội, trong truyền thống, sau khi nhận lễ cưới, sự thiết lập một quan hệ xã hội đặc biệt diễn ra nhanh chóng giữa 2 gia đình, họ hàng và cộng đồng giữa 2 làng qua những giao kết. Nếu cô gái giỏi giang, được một chàng trai giàu có hỏi cưới thì hạnh phúc không chỉ riêng của 2 gia đình mà tác động tích cực đến các thành viên trong cộng đồng. Sau lễ cưới, gia đình, họ hàng 2 bên có thể qua lại, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến kinh tế và các sinh hoạt văn hóa, sự kiện (nhưng chủ yếu bên làng nhà trai nhiều hơn).

Về mặt tâm lý, sau khi nhận sính lễ của nhà trai dù đủ hay thiếu, đặc biệt là khi "pai ja chưt, rpuôt ja tac", nghĩa là con vật đã giết thịt, sính lễ đã nhận đủ, thì nhà gái vừa vui mừng vì hạnh phúc của con gái mình vừa lo lắng về kỹ năng, trách nhiệm của con gái họ đối với nhà chồng. Sính lễ nhận được càng lớn, niềm vui của cha mẹ cô gái càng lớn thì nỗi lo lắng của họ cũng không kém khi con gái họ về làm dâu. Đặc biệt, áp lực này sẽ nặng nề đối với những cha mẹ gả bán con gái. Đối với những trường hợp gả bán, dù cô dâu phạm một lỗi nhỏ cũng có thể sẽ bị gia đình nhà trai phạt vạ. Đặc biệt là đối với tội ngoại tình, nhà trai có thể bắt cha mẹ nhà gái trả lại sính lễ với giá trị gấp nhiều lần. Trường hợp lười lao động, cha mẹ phải cử người sang gia đình nhà trai để lao động thay con gái.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139648/can-thay-doi-phong-tuc-tra-sinh-le-trong-hon-nhan-truyen-thong-nguoi-s-tieng