Cần thay đổi tư duy liên kết phát triển kinh tế vùng

phát triển hiệu quả kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần thay đổi tư duy, không nên tư duy từng địa phương mà phải là tư duy liên kết cả vùng mới đủ lớn để làm công tác xúc tiến, đầu tư…

Nội dung này được ghi nhận tại sự kiện Diễn đàn Mekong Connect 2021 vào ngày 17-12 diễn ra ở TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã nói những bất cập trong câu chuyên liên kết vùng. Theo ông, vấn đề liên kết vùng ĐBSCL đã bàn và thực hiện khoảng 20 năm nay nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2021

Ông Hoan cho rằng tư duy liên kết vùng, 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ vẫn đang làm bài toán chia. “Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh, thành thì mọi việc sẽ khác”, ông Hoan nói. Theo ông, đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia, chuyển từ mục tiêu “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn.

Với tư duy thay đổi liên kết, ông Hoan chia sẻ câu chuyện thời gian ông còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông đã nhờ một doanh nghiệp Úc tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư cho Đồng Tháp. Vị doanh nhân này đồng ý giúp nhưng nói rằng: “Các doanh nghiệp Úc không biết địa danh Đồng Tháp, An Giang hay Bến Tre ở đâu. Nhưng khi nói đến Mekong Delta (ĐBSCL) thì ai cũng biết, vì địa danh này được nhắc đến trong các bộ sách giáo khoa về địa lý học của cả thế giới. Người ta biết đó là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới”.

Chia sẻ câu chuyện trên, ông Hoan cho rằng cần thiết phải thay đổi tư duy, hướng tới phát triển của toàn vùng ĐBSCL. “Tôi mong rằng, mỗi địa phương có thể ghi tên địa danh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre viết nhỏ lại để chữ Mekong Delta được lớn hơn, hoặc chữ Việt Nam lớn hơn. Khi ngồi trong địa giới hành chính có thể tự hào rằng sản lượng sản xuất tại đó lớn nhưng từ góc nhìn thị trường bên ngoài thì rất nhỏ. Do đó, cần sự liên kết để tạo sức mạnh, mở rộng quy mô thị trường. Để tương lai có một ĐBSCL mang thương hiệu thế giới”, ông Hoan nói.

Nhiều ý kiến lâu nay cho rằng ĐBSCL chậm phát triển do hạ tầng yếu kém. Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cho rằng tư duy liên kết, tư duy hợp tác mới là mấu chốt. Hạ tầng là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ.

Trong phiên đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM luôn xem các tỉnh, thành ĐBSCL là đối tác phát triển và luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cho rằng việc liên kết phát triển chưa tương xứng, mới chỉ dừng lại trong việc hợp tác riêng lẻ giữa TPHCM với từng địa phương, hạ tầng giao thông chưa đầu tư đầy đủ… Theo ông, cần có quy hoạch phát triển vùng, trong đó giao thông, nhất là phát triển giao thông thủy, cảng biển, không chỉ trong khuôn khổ các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp, mà phải mở rộng hơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, đối với ĐBSCL, trong bối cảnh liên kết với TPHCM, hay liên kết với vùng Đông Nam bộ, hoặc với các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở có thể là một giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Bên cạnh đó, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho ĐBSCL.

Từ thực tiễn sinh động ở ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến để 20 năm nữa có một ĐBSCL mang thương hiệu thế giới.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-thay-doi-tu-duy-lien-ket-phat-trien-kinh-te-vung/