Cần thêm các cơ sở bảo trợ xã hội

Đồng Nai có 2 cơ sở bảo trợ xã hội công lập là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (ở thành phố Biên Hòa) và Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (ở huyện Định Quán).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng quà Tết cho người cao tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ảnh:S.Thao

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng quà Tết cho người cao tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ảnh:S.Thao

Tuy nhiên, số trường hợp cần được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh hiện rất lớn. Do vậy, nhu cầu mở rộng về quy mô hoạt động, tăng số lượng cơ sở bảo trợ xã hội là cần thiết.

Thiếu cơ sở bảo trợ xã hội công lập

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hoàng Vĩnh Quang cho biết, trung tâm hiện có 87 cán bộ, người lao động. Trong số này, có 67 trường hợp đang trực tiếp đảm nhận việc chăm sóc 350 đối tượng bảo trợ xã hội. 2/3 trong số này là trẻ sơ sinh, người bị bại liệt, người mắc bệnh tâm thần phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người lao động tại trung tâm. Như vậy, hiện mỗi lao động tại trung tâm chăm sóc 5 trường hợp bảo trợ xã hội.

Còn ở Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh tại huyện Định Quán, ngoài những công việc có tên, 4 lao động tại đây là giám đốc, bảo mẫu, bảo vệ, đầu bếp còn làm những việc không tên, hỗ trợ nhau trong chăm sóc các học viên. Ngoài ra, nhân viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện phải xắn tay vào hỗ trợ các hoạt động tại trung tâm.

Theo Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai sẽ có 5 cơ sở cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Tân Phú, Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Vĩnh Cửu, Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Trảng Bom, Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Biên Hòa và Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Xuân Lộc. Mỗi cơ sở có quy mô tiếp nhận 300 người và diện tích dao động từ 2,4-3,6 hécta/cơ sở.

Thời gian qua, tỉnh đã cấp phép cho 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp phép hoạt động cho một cơ sở khác. Hiện 15 cơ sở bảo trợ ngoài công lập được cấp phép hoạt động này đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 1,3 ngàn trường hợp người cao tuổi không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần, người khuyết tật, trẻ em mồ côi và trẻ không nơi nương tựa. Tuy nhiên, do nguồn lực của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa nên có lúc, có nơi hoạt động gặp nhiều trở ngại.

Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội nhân ái Bạch Lâm (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) Phạm Văn Ngữ cho hay, để duy trì hoạt động, thời gian qua, cơ sở nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nguồn lực xã hội. Những năm gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở cũng giảm nhiều. Để duy trì việc chăm sóc cho các đối tượng tại đây, gia đình ông phải sang nhượng nhiều tài sản để bù đắp nhằm duy trì hoạt động hàng tháng.

Đảm bảo bao phủ rộng khắp

Hiện Đồng Nai có rất nhiều điểm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật… tự phát. Những địa điểm này đang chăm sóc số lượng khá lớn những hoàn cảnh kém may mắn. Song vì nhiều nguyên nhân mà những địa điểm này chưa được cấp phép hoạt động. Một số cơ sở còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng cần bảo trợ…

Để đảm bảo vai trò của Nhà nước trong triển khai chính sách an sinh đảm bảo tính bao trùm, rộng khắp, trong đó có chăm sóc, hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn là người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi và trẻ em không người chăm sóc, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, theo Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi huyện, thành phố tại Đồng Nai sẽ có 2 cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp (cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở chăm sóc trẻ em; cơ sở chăm sóc người khuyết tật). Theo đó, mỗi cơ sở có quy mô tiếp nhận 100 người và diện tích là
1 hécta/cơ sở.

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng của các cơ sở bảo trợ xã hội này gắn với 3 nội dung trọng tâm là: phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh bảo đảm đủ năng lực, quy mô đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công về trợ giúp xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trợ giúp xã hội theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế theo đặc thù từng nhóm đối tượng; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công theo quy định.

Bên cạnh cơ sở vật chất, tỉnh cũng quan tâm đến đảm bảo chế độ lao động, thu nhập cho những người gắn bó với nghề công tác xã hội, giúp họ an tâm công tác, gắn bó với nghề.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/can-them-cac-co-so-bao-tro-xa-hoi-f244dc2/