Cần thêm các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách sáng nay, tại Tổ 13 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp điều hành trong những tháng cuối năm phải trọng tâm hơn, cụ thể, thiết thực, khả thi hơn. Đặc biệt, Chính phủ phải tiếp tục có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Cơ bản đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng cảnh thảo luận Tổ 13 (Hậu Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk). Ảnh: Thanh Chi

Quảng cảnh thảo luận Tổ 13 (Hậu Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk). Ảnh: Thanh Chi

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm nay tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp nối từ Quý IV.2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cần triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) kiến nghị, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới cần cụ thể hơn, tập trung vào từng nhóm vấn đề cụ thể, rõ ràng. Theo đại biểu, Chính phủ cần tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô khác một cách hợp lý. Phải tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng để chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành, hỗ trợ tăng trưởng. Đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường quản lý, giám sát thị chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; bảo đảm việc làm cho người lao động…

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 10 (Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp). Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 10 (Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp). Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), việc Chính phủ thời gian qua quá chú trọng kiểm soát lạm phát đã dẫn tới tình trạng lãi suất cao trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm đã dẫn tới nhiều bất cập trong hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, cần tiếp tục có chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp.

Các ý kiến khác cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như: giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với thời gian áp dụng đủ dài nhằm giúp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng; có chính sách tín dụng hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân; chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động cần dễ tiếp cận hơn...

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-them-cac-giai-phap-dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-i329759/