Cần thêm chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861-PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612-PV), tỉnh Thanh Hóa còn 21 xã, 132 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 79 xã, 554 thôn so với giai đoạn 2016-2020.
Đây là kết quả tích cực, khẳng định sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, trước mắt, việc thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đang đặt ra “thách thức” trong thực hiện nhiệm vụ mở rộng và phát triển tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Cán bộ BHXH huyện Quan Hóa giải quyết thủ tục tham gia BHYT cho người dân.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT sụt giảm
Sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, huyện Quan Hóa giảm 14 xã, 38 thôn, còn 36 thôn vùng đặc biệt khó khăn, tương đương có 8.972 người dân không còn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí tham gia BHYT. Điều này cũng đồng nghĩa, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện giảm từ 98,6% xuống còn 80,4%. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nên năm 2021, việc nhiều xã, thôn, bản thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn chưa ảnh hưởng đến tỷ lệ dân số tham gia BHYT của huyện.
Bước vào năm 2022, huyện Quan Hóa đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp huyện đến cấp xã để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Từ đó, huyện đã giao chỉ tiêu phát triển số thẻ đến từng xã, xã giao về thôn, bản để tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia. Nhờ đó, trong số 8.972 người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861 và Quyết định 612 đã có hơn 7.000 người tham gia trở lại. Điều này góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT của huyện trong năm 2022 đạt 49.071 người, đạt tỷ lệ 97,8% dân số. Dù tỷ lệ này đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao (89%) và HĐND huyện Quan Hóa giao (95%), nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2021 (98,6%).
Theo ông Nguyễn Mậu Nhã, Giám đốc BHXH huyện Quan Hóa, tính đến hết tháng 1-2023, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện đã giảm 4.909 người so với thời điểm 31-12-2022. Tình trạng này có một phần nguyên do là người dân tham gia BHYT theo năm. Có nghĩa là hết năm, hết hạn thẻ thì người dân tham gia mua mới, nhưng cũng có tình trạng nhiều người dân không tham gia trở lại, nhất là những hộ cận nghèo. Đến nay, trong số 4.909 thẻ hết hạn, BHXH huyện Quan Hóa mới vận động được hơn 2.000 người tham gia trở lại. Trong khi đó, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện năm nay là đạt 48.052 người tham gia BHYT tại huyện.
Tương tự tại huyện Thường Xuân, sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612, trên địa bàn đã có 9 xã và 58 thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, tương đương sẽ có 31.914 người không còn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua BHYT. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các cấp chính quyền huyện đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Nhờ đó đến 31-12-2022, toàn huyện có 86.980 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 94,67%). Ông Lê Công Ứng, Giám đốc BHXH huyện Thường Xuân cho biết, đến ngày 15-3-2023, trên địa bàn huyện mới đạt 68.145 thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 74,80% (giảm tới 18.835 thẻ so với 31-12-2022). Trong khi đó, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện trong năm nay là tỷ lệ bao phủ BHYT đã 92,5% và HĐND huyện giao đạt 93,5%.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Theo BHXH tỉnh, sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, tỉnh Thanh Hóa có 345.182 người bị ảnh hưởng, không còn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí tham gia BHYT. Trước thực tế này, HĐND tỉnh đã quyết nghị hỗ trợ từ ngân sách địa phương mua thẻ BHYT đến hết năm 2021 cho nhóm người bị ảnh hưởng trên. Do đó năm 2021 tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chưa bị ảnh hưởng giảm.
Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT cho đối tượng hộ gia đình cận nghèo (20% ngân sách địa phương ngoài 70% ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ). Cùng với đó, BHXH tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển số người tham gia BHYT, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Tuy nhiên, đến 31-12-2022 nhiều huyện miền núi vẫn sụt giảm tỷ lệ người tham gia BHYT so với 31-12-2021. Ngoài huyện Quan Hóa và Thường Xuân còn có các huyện: Ngọc Lặc (giảm 10.689 người), Cẩm Thủy (giảm 8.120 người), Thạch Thành (giảm 5.598 người), Quan Sơn (giảm 2.543 người)...
Trong số người giảm chủ yếu là người DTTS, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn,... trước đây được ngân sách Nhà nước đóng BHYT toàn bộ, nay chuyển sang nhóm được Nhà nước hỗ trợ mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 70%; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30%; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 30%). Không có thẻ BHYT không những ảnh hưởng đến quyền lợi trong việc khám bệnh, chữa bệnh, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS, mà còn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, quỹ khám bệnh, chữa bệnh và tỷ lệ bao phủ BHYT của các địa phương.
Phải khẳng định rằng, đạt kết quả giảm sâu số xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn là niềm vui lớn, khẳng định sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, rất nhiều người dân ở vùng đồng bào DTTS, nhất là người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình... vẫn rất cần được hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để được tham gia BHYT. Bởi đây là những hộ gia đình điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khoảng cách giữa hộ gia đình cận nghèo và hộ nghèo là không cao.