Cần thêm chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề
Thúc đẩy đô thị hóa vùng vành đai TP. Đông Hà thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới là yêu cầu tất yếu, tác động đến nhiều mặt kinh tế, xã hội. Để phục vụ cho phát triển đô thị, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường Đông Thanh đã được thu hồi, kéo theo việc một số nông dân không còn đất sản xuất. Địa phương này đã và đang nỗ lực giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề để đảm bảo cuộc sống.
Phường Đông Thanh nằm ở phía Bắc TP. Đông Hà, có diện tích tự nhiên 483,9 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 277 ha, chiếm 57,2% diện tích đất tự nhiên; có 1.165 hộ với khoảng 4.765 nhân khẩu. Đây là địa bàn nằm trong vùng mở rộng quy hoạch đô thị nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp khá nhiều.
Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1 với diện tích 29,5ha, tổng mức đầu tư hơn 250 tỉ đồng. Dự án được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cây xanh và thiết kế ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tiên, hiện đại nhất ở tỉnh Quảng Trị. Thực hiện chủ trương của TP. Đông Hà về “Quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng văn minh đô thị”, phường Đông Thanh phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành giải phóng mặt bằng và bàn giao đất xây dựng các công trình như: khu tái định cư các Khu phố 3, 7, Khu đô thị Bắc sông Hiếu, đường Hoàng Diệu, đường nối Hoàng Diệu đi Cam Thanh, đường qua cầu sông Hiếu... Kết quả, có khoảng 350 hộ gia đình bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án.
Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thanh Nguyễn Thị Huy Hoàng cho biết: “Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, các đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025, UBND phường phối hợp với UBND thành phố, các ngành, hợp tác xã vận động người dân chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp như sản xuất rau vietgap, nhà lưới.... Phối hợp với các đơn vị: Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố mở các lớp học nghề nấu ăn, pha chế... cho hội viên. Mặt khác, phường tập trung rà soát người dân có nhu cầu học nghề, hộ dân có nhu cầu vay giải quyết việc làm đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét giải quyết. Phát huy lợi thế của phường là vùng chuyên canh sản xuất rau màu, trên cơ sở ngân sách của phường, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động Nhân dân đầu tư sản xuất rau an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phường sẽ hỗ trợ giống cây con mới cho bà con, đầu tư cơ sở vật chất ở các vùng sản xuất không thuận lợi về nguồn nước...”.
Từ năm 2020 - 2025, Dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2 được triển khai với quy mô quy hoạch 100 ha, địa bàn hai phường Đông Thanh và Đông Giang nằm trong vùng ảnh hưởng. Trong đợt thu hồi đất thứ 31 theo quyết định của UBND TP. Đông Hà ngày 26/4/2023, có 59 hộ dân phường Đông Thanh nằm trong vùng dự án bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi là hơn 28.000 m2 . Hộ ông Hồ Đắc Lung (người đại diện là ông Hồ Đắc Dũng), Khu phố 2, phường Đông Thanh có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất với hơn 1.500 m2 , trong đó có phần lớn đất sản xuất hoa màu.
Ông Dũng cho biết: “Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất để mở rộng đô thị. Không còn làm nông nghiệp, gia đình tôi chủ động chuyển đổi làm các nghề khác như thợ nhôm kính, kinh doanh các dịch vụ khác để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nhất là những người trẻ tuổi được đào tạo nghề, vay vốn để sản xuất kinh doanh”.
Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề làm nông, 4 sào hoa màu đã giúp vợ chồng chị Đào Thị Quảng, ở Khu phố 1, phường Đông Thanh nuôi hai con học xong đại học. Năm 2022, thực hiện chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2, gia đình chị Quảng không còn đất nông nghiệp để sản xuất hoa màu.
Chị Quảng lựa chọn phương án mở một sạp hàng bán thức ăn và tạp hóa tại nhà, chồng chị làm nghề tự do. “Mấy chục năm gắn bó với ruộng vườn, với nghề làm nông nghiệp nên khi không còn đất sản xuất cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.
Nghề trồng hoa màu mang lại nguồn thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng, giúp vợ chồng tôi có điều kiện nuôi con ăn học. Nay không còn đất sản xuất, chuyển qua buôn bán nhỏ, nguồn thu nhập giảm sút hơn nhiều. Tuy nhiên, chấp hành chủ trương mở rộng quy hoạch đô thị, chúng tôi đồng thuận vì lợi ích chung”, chị Quảng chia sẻ.
Theo thống kê, đến nay, tổng diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn phường Đông Thanh là 320 ha/năm, giảm 12 ha so với năm 2021 do thu hồi đất thực hiện dự án. Diện tích sản xuất rau còn 95 ha, giảm 10 ha so với năm 2021 do thu hồi đất mở rộng đô thị tại các Khu phố 1, 2.
Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ sở sản xuất hương trầm Nghĩa An của chị Lâm Ngọc Lan, ở Khu phố 3, phường Đông Thanh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, chưa kể nhiều lao động thời vụ khác.
Chị Lan cho biết, trước đây gia đình chị làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu nhờ vào làm ruộng và trồng hoa màu. Cùng với xu thế đô thị hóa, thu hẹp dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chị Lan chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển sang nghề làm hương trầm. Đến nay, sản phẩm hương trầm Nghĩa An đã có đầu ra tương đối ổn định, cung ứng thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.
“So với làm nông nghiệp, các ngành nghề mang lại thu nhập tương đối ổn định cho lao động, hiện nay cơ sở đang trả lương căn cứ trên sản phẩm làm ra, bình quân một người khoảng 250.000 đồng/ngày công. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường bị thu hẹp lại như hiện nay thì các ngành nghề sản xuất đã giúp cho nhiều nông dân có việc làm với thu nhập ổn định”, chị Lan cho biết.
Đối với các hộ dân nằm trong diện thu hồi nhưng vẫn còn lại một phần diện tích đất sản xuất, người dân chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình anh Hoàng Đức Sơn, ở Khu phố 3 trước đây có khoảng 500 m2 đất sản xuất rau màu, nay chỉ còn hơn 300 m2.
Anh Sơn tranh thủ làm thêm nghề mộc để có nguồn thu nhập, ngoài ra thay vì sản xuất rau truyền thống như trước đây, vợ chồng anh chuyển sang sản xuất rau an toàn, gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Anh Sơn cho biết: “Chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp hay chuyển đổi ngành nghề là xu thế bắt buộc bởi hiện nay, đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhiều. Đối với người dân làm nghề nông nghiệp lâu đời trên địa bàn, muốn thay đổi ngành nghề thì cũng cần có thời gian và cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền”.
Để giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, phường Đông Thanh tiếp tục cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Trên địa bàn phường Đông Thanh hiện có 95 cơ sở ngành nghề và tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 25 cơ sở do hội viên nông dân làm chủ, thu hút khoảng 350 lao động, cho thu nhập khoảng 4-6 triệu đồng/tháng/người.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thanh Hồ Xuân Huy, thời gian tới, hội tiếp tục vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư mạnh vào ngành nghề thương mại, dịch vụ. Phấn đấu mỗi năm có 1 mô hình ngành nghề hoặc cơ cấu cây con mới có hiệu quả và được nhân rộng.
Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác. Đó là cần có chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành nghề truyền thống, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.
Tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho người lao động khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất bằng cách hướng dẫn sử dụng có hiệu quả tiền đền bù, các nguồn hỗ trợ tái định cư; dạy nghề và vay vốn tín dụng để tạo việc làm, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.