Cần thêm 'cú hích' để công nghiệp nông thôn phát triển
Tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu. Bên cạnh những lợi thế như nâng cao uy tín với khách hàng, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất còn nhận được nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khẳng định uy tín, chất lượng
Toàn tỉnh hiện có 85 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 12 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 11 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Tính riêng năm 2023, tỉnh có 3 sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia gồm: Cửa thép vân gỗ của Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang); vải thiều nước đường của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) và khuôn mẫu (chi tiết khuôn mẫu) của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng (Việt Yên).
Đây đều là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, lợi thế của địa phương; tốt về chất lượng, đẹp về hình thức; có thế mạnh, tiềm năng phát triển, tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Quá trình hoạt động, các DN chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Cùng đó, các cơ quan chuyên môn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực.
Để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, tăng lợi nhuận, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất liên tục nghiên cứu, sản xuất, phát triển nhiều sản phẩm mới. Năm 2023, DN đầu tư khoảng 10 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cửa thép vân gỗ. Sản phẩm này có độ bền cao, hình thức đẹp, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, đã “phủ sóng” ở tất cả các tỉnh trong cả nước.
Tỉnh Bắc Giang có ba sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 gồm: Cửa thép vân gỗ của Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang); vải thiều nước đường của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) và khuôn mẫu (chi tiết khuôn mẫu) của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng (Việt Yên).
Ngoài phát huy nội lực, Công ty còn được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương quan tâm hỗ trợ hơn 290 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia để đầu tư một máy cắt sợi quang (giá 1,2 tỷ đồng). Tháng 11/2023, Công ty bắt đầu đưa thiết bị vào sử dụng giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, nâng chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty cho biết: “Sản phẩm của DN được tôn vinh là lợi thế giúp đơn vị khẳng định uy tín, chỗ đứng trên thị trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung tạo ra các sản phẩm khác biệt, ưu việt, cam kết về chất lượng và định hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) là DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu liên kết, sản xuất chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản sang thị trường nước ngoài. Những năm qua, Công ty mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng; dành tổng nguồn vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho các dự án nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu; mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Nhờ đó, các sản phẩm chế biến từ nông sản (vải thiều, bí đỏ, dưa chuột, khoai tây, ngô ngọt...) đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thuận lợi vì nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, ngành. Năm 2023, Công ty được hỗ trợ kinh phí mua máy ghép mí tự động từ nguồn khuyến công quốc gia. Nhờ công nghệ mới, việc ghép mí ở khâu đóng lon, hộp nhanh chóng, chính xác, thẩm mĩ hơn. Một trong số các sản phẩm của Công ty được tạo ra nhờ công nghệ mới là vải thiều nước đường đóng hộp.
Năm 2023, sản phẩm này đạt OCOP 4 sao, đồng thời được vinh danh là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Với sản phẩm khuôn mẫu, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng cũng được tham gia nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tư vấn sản xuất, kết nối mở rộng thị trường do Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
Tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Theo ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công Thương), những năm qua, hoạt động khuyến công đã tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là hướng tới các DN, cơ sở có sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm CNNT tiêu biểu thuộc các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương như chế biến nông, lâm sản (vải thiều, mỳ gạo, gia súc, gia cầm, bún, bánh…); công nghiệp cơ khí, cơ khí chế tạo (khuôn mẫu, chi tiết, linh kiện, cửa thép vân gỗ…); hỗ trợ làng nghề tiểu thủ công nghiệp gồm mỳ Chũ (Lục Ngạn); bánh đa Kế, bún Đa Mai, mộc Bãi Ổi (TP Bắc Giang); tương Trí Yên (Yên Dũng)…
Thống kê giai đoạn 2017-2023, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khuyến công là 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ 36 cơ sở CNNT trên địa bàn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ thiết kế, in ấn thử nghiệm mẫu mã, nhãn mác, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 3 nhà trưng bày, bán sản phẩm cho đơn vị.
Những năm qua, nhiều DN, cơ sở sản xuất đã tích cực xây dựng, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu để được bình chọn, đánh giá song số lượng vẫn hạn chế so với tiềm năng của địa phương, nhất là ở khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn (dù đây là những địa bàn ưu tiên của chương trình khuyến công). Thời gian công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu là hai năm.
Theo một số cơ sở, thời gian này không đủ để đơn vị phát triển, mở rộng sản xuất. Ngoài ra còn do hầu hết DN, cơ sở có quy mô nhỏ, vốn hạn chế. Sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ sau công nhận nhưng nếu DN cần vốn để mở rộng sản xuất thì chưa có cơ chế nào khuyến khích. Nhiều DN mong muốn các sản phẩm nổi trội của mình được ưu tiên sử dụng vào các công trình đầu tư công.
Để đồng hành, tạo đà giúp các sản phẩm CNNT tiêu biểu vươn xa, Sở Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ; thực hiện công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và phát triển các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục bố trí nguồn vốn trong các năm tiếp theo để hỗ trợ nhân rộng mô hình sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được công nhận.
Bài, ảnh: Mạc Yến